Chuyện “Đào Mả Không Bài” Dưới Triều Duy Tân
Trong bài trước, người viết đã đề cập đến vế đầu của câu vè ‘bỏ vua không Khả, đào mả không Bài”. Chỉ riêng cụm từ “bỏ vua” cũng đã có hai cách giải thích, một là việc phế truất vua Thành Thái năm 1907, hai là âm mưu của thực dân Pháp vào những năm đầu thập niên 1910 muốn bãi bỏ chế độ quân chủ tại Việt Nam, nhưng do đình thần triều Nguyễn phản đối quyết liệt nên họ hoãn lại ý định này. Tuy nhiên, xét cho cùng, vì người phản đối việc “bỏ vua” là đại thần Ngô Đình Khả, mà ông Khả đã bị buộc trí sự (về hưu) chỉ một tháng sau ngày vua Duy Tân lên ngôi (1907) nên không thể có mặt tại triều đình để chống lại âm mưu của Pháp nhằm hủy bỏ chế độ quân chủ vào thập niên 1910. Như vậy cụm từ “bỏ vua” dùng để chỉ việc phế truất vua Thành Thái, chứ không còn nghĩa nào khác.
Về vế sau của câu vè trên, câu chữ phổ biến từ trước đến nay là “đào mả không Bài”, song theo sách Đại Nam Thực Lục dẫn trên thì câu viết bằng chữ nôm là “bới mả không Bài”, xin nói rõ về chút dị biệt trên.
Khoản 1815 của sách Đại Nam Thực Lục Đệ lục kỷ Phụ biên chép về chuyện xảy ra vào tháng 12 âm lịch năm Nhâm Tý, nhằm những tháng đầu năm 1913, như sau:
“…Khâm sứ đại thần Mahé hội thương nói nghe báo ở gian giữa điện Hòa Khiêm vốn có chôn nhiều vàng bạc, nên bàn ủy Hữu Tôn khanh Phủ Tôn nhân Ưng Hào, Tả Tham tri bộ Lễ Mai Hữu Dực, Phụng hộ Phó sứ Tùng Lễ hội đồng với hai viên Hội biện Lại Hộ lập tức tới nơi đào lên lấy số vàng bạc ấy giao cho Phủ Nội vụ để làm việc có ích. Bề tôi Phủ Phụ chính kính chiểu tôn điện là nơi trang trọng, ai báo tin ấy hư thực chưa rõ nhưng thế khó bàn bạc cản trở nên bàn định chờ xem khám nghiệm thế nào sẽ có thưởng phạt để tỏ rõ sự khuyến khích trừng phạt. Bèn ghi lại biên bản tâu lên để vua rõ. Sau đó hội đồng đào lên, qua hơn 10 ngày không có gì cả, kế quý tòa nói đã có lời Toàn quyền đại thần bàn dừng lại để khỏi ngờ vực náo động. Ngày 30 tháng giêng năm sau, chuẩn lấy Hiệp biện đại học sĩ Thượng thư bộ Lễ Huỳnh Côn, Tham tri bộ Lễ Cao Đệ cùng Hội biện Lại chính, Đốc công cùng các viên trong hội đồng tới nơi xét khám trù nghĩ lấp lại như cũ, dự trù chi phí hơn 2.000 đồng, bàn trích tiền lưu lại chi biện. Khâm sứ Mahé cũng vì việc ấy không có hiệu quả nên tháng 3 năm sau về nước (về việc này đại thần bộ Công Nguyễn Hữu Bài không dự, đương thời có câu “Bỏ vua không Khả (tức nguyên Thượng thư sung đại thần quản lãnh Thị vệ Ngô Đình Khả), bới mả không Bài”) (sđd, NXB Văn hóa-Văn nghệ TPHCM – 2011, trang 569).
Từ lâu, câu “đào mả không Bài” khiến không ít người tưởng nhầm là ngôi mộ chôn vua Tự Đức bị khai quật, kỳ thực hai từ “đào mả” nhằm ám chỉ một phần điện Hòa Khiêm nằm trong khuôn viên khu Khiêm lăng rộng lớn mà thôi.
Bên cạnh chính sử, chúng ta có thể tìm thấy nhiều chi tiết cụ thể hơn về sự kiện độc đáo này trong một tư liệu không kém phần khả tín. Đó là hồi ký về quãng đời làm quan của ông Huỳnh Côn, Thượng thư bộ Lễ triều Duy Tân (1913), một nhân chứng trực tiếp của vụ đào mả. Lời kể của họ Huỳnh được tác giả Pháp Jean Jacnal ghi chép lại và đăng nhiều kỳ trên Tạp chí Đông dương (Revue indochinoise) năm 1924. Trong phần cuối chương 16 loạt bài của Jacnal, ông Huỳnh Côn kể rằng vào một ngày nọ, viên phó Khâm sứ Pháp de la Susse dùng ô tô đưa ông tới Khiêm lăng, nơi an táng vua Tự Đức, mà không nói trước mục đích của chuyến đi. Khi đến nơi, vừa bước xuống xe, de la Susse đã kề tai ông Côn nói nhỏ:
– Người ta cho tôi biết là có một kho báu chôn giấu ở chỗ này. Bây giờ chúng ta đi tìm công nhân, nhờ họ bới đất, và hai chúng ta sẽ biết được điều ấy có đúng không.
Trước một đề nghị khá bất ngờ, ông Côn cũng kịp trấn tỉnh và nói điều phải trái với de la Susse:
– Không được, trước hết phải bàn chuyện này với ông chủ tịch Tôn nhơn phủ.
– Tôi quên nói điều này. Chính ngài chủ tịch bảo tôi nói với ông.
Ông Côn tiếp tục phản bác ý định của de la Susse:
– Tôi không thể tự mình nhận lấy một trách nhiệm như thế. Đây là việc có liên quan đến tất cả các thượng thư. Cần có ý kiến của Thượng thư bộ Công, bởi vì phải đào bới; của Thượng thư bộ Hộ, bởi vì có liên quan đến của cải; của Thượng thư bộ Lễ, vì có đụng chạm đến lăng tẩm…( Jean Jacnal – Mémoires de son Excellence Huỳnh Côn – Revue Indochinoise 1924)
Trước phản ứng nhẹ nhàng nhưng cương quyết của ông Côn, de la Susse không nói thêm điều gì, ông ta một mình lên xe trở về, bỏ mặc vị Thượng thư bộ Lễ đứng ngơ ngác nhìn theo. Năm giờ chiều hôm đó, viên Khâm sứ Pháp Georges Marie Joseph Mahé cùng một số thượng thư đã đến gặp ông Huỳnh Côn tại Khiêm lăng. Họ họp lại, thành lập một ủy ban và thảo ra một loại biên bản, trong đó, ông Côn không quên ghi vào câu sau:” nếu tìm được kho báu, sẽ thưởng cho người điềm chỉ; nếu không tìm thấy gì, sẽ chém đầu người đó”. Trên thực tế, người điềm chỉ chính là anh ruột ông chủ tịch Tôn nhơn phủ An Thành vương Miên Lịch. Theo ông Huỳnh Côn, việc đào bới khu lăng mộ vua Tự Đức diễn ra trong ba ngày, nhưng không thấy có gì cả nên đành bỏ dở. Đã vậy, các thượng thư còn bị vua Duy Tân khiển trách nặng nề, vì họ không tấu trình cho nhà vua biết trước việc đào bới trong Khiêm lăng.
Câu chuyện kể của ông Huỳnh Côn không nêu rõ thời điểm xảy ra chuyện xâm phạm lăng mộ vua Tự Đức, địa điểm chính xác nơi khai quật kho báu, cũng không nói rõ có sự hiện diện của Thượng thư bộ Công Nguyễn Hữu Bài hay không. Song điều này đã được sách Đại Nam Thực Lục nêu rõ ở trên.
Chính sử cũng cho thấy chính Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut trực tiếp can thiệp vào việc đào bới lăng mộ vua Tự Đức bằng cách yêu cầu “dừng lại để khỏi ngờ vực náo động”. Điều này phù hợp với lời kể của ông Huỳnh Côn là sau khi lâm vào tình trạng thất vọng, buồn chán do bị vua Duy Tân khiển trách nặng nề, ông đã được Toàn quyền Sarraut đến thăm và nói lời an ủi (Jean Jacnal – sđd). Nó cũng gián tiếp giải thích lý do vì sao kẻ chủ mưu việc làm tệ hại trên là Khâm sứ Mahé chỉ ngồi ở Tòa Khâm Huế đúng 3 tháng rồi phải bàn giao cho người khác.
Người không nhúng tay vào vụ đào bới lăng vua Tự Đức là Thượng thư bộ Công Nguyễn Hữu Bài. Công việc này thuộc thẩm quyền chính của bộ Công, nhưng ông Bài không tham gia, tuy không rõ vì nguyên nhân nào, song hành động này được người đương thời xếp chung với hành động không ký vào biên bản phế truất vua Thành Thái của Thượng thư bộ Lễ Ngô Đình Khả. Và đó cũng là nguyên nhân ra đời của câu truyền tụng quen thuộc “Bỏ (phế) vua không Khả, đào (bới) mả không Bài”.
Nguyễn Hữu Bài sinh năm 1863 tại phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, trong một gia đình Công giáo, thuở nhỏ được theo học tại Đại chủng viện Penang ở Mã Lai (Malaysia). Qua việc giáo dục tại đây, lớn lên, ông giỏi tiếng Pháp và vào năm 1883, được cử làm Thừa phái Nha Thương bạc, cơ quan chuyên trách việc giao dịch với người nước ngoài. Đầu năm 1896, do những hiệu quả trong công việc phiên dịch tại Tòa Khâm sứ Huế, Nguyễn Hữu Bài được thăng hàm Hồng lô tự thiếu khanh (chánh ngũ phẩm) như một sự ân thưởng đặc biệt. Qua năm sau, lại được thăng Hồng lô Tự khanh (chánh tứ phẩm).
Tháng 11.1897, ông được tháp tùng vua Thành Thái trong chuyến tuần du phương Nam. Từ đó, cuộc đời làm quan của ông thăng tiến không ngừng, từ Bố chánh Thanh Hóa, rồi Lại bộ Thị lang (chánh tam phẩm), đến Tham Tri bộ Hình (tòng nhị phẩm).
Năm 1906, Nguyễn Hữu Bài được vua Thành Thái bổ làm Công bộ Thượng thư kiêm Cơ mật viện đại thần. Khi vua Thành Thái bị phế truất, con là Vĩnh San được đưa lên ngôi lúc mới 7 tuổi, ông cùng các quan đại thần khác như Trương Như Cương, Lê Trinh, Huỳnh Côn, Tôn Thất Hân, Cao Xuân Dục được sung Phụ chánh phủ, nhiệm vụ chính là giúp vị tân quân còn quá nhỏ trong việc điều hành bộ máy quốc gia.
Vụ đào bới lăng tẩm vua Tự Đức nói lên tính cương trực của một đại thần như Nguyễn Hữu Bài, trong điều kiện nước mất nhà tan, hầu hết triều thần nhắm mắt làm ngơ, tuân phục mọi ý đồ của thực dân Pháp.
Sau năm 1913, Nguyễn Hữu Bài tiếp tục phục vụ tại triều đình với chức Lại bộ kiêm Hộ bộ Thượng thư; năm 1922 tháp tùng vua Khải Định và Hoàng Thái tử Vĩnh Thụy công du nước Pháp. Ông làm được nhiều việc trong chuyến đi này, về nước tiếp tục phục vụ cho đến thập niên 1930 và qua đời vào tháng 7.1935, thọ 73 tuổi.
Lê Nguyễn
9.7.2019
Nguồn: Trang FB của Lê Nguyễn
Bài Cùng Tác Giả:
- Những Năm Tháng Lưu Đày Và Cái Chết Của Cựu Hoàng Duy Tân
- Toàn Quyền Đông Dương Paul Doumer Và “Chứng Điên” Của Vua Thành Thái
- Cựu Hoàng Thành Thái Sống Ra Sao Trong Những Năm Tháng Bị Lưu Đày?
- Sứ Mạng Bất Thành Của Sứ Bộ Miến Điện Tại Việt Nam Dưới Triều Vua Minh Mạng
- Chút Ký Ức Về Một Quãng Đời Sau Ngày 30.4.1975 [2]
- Một Vài Khía Cạnh Đáng Lưu Ý Trong Tổ Chức Tư Pháp Và Thanh Tra Thời Việt Nam Cộng Hòa
- Thân Phận Người Phụ Nữ Trong Cung Đình Xưa
- Những Bước Đi Đầu Đời Của Ngành Điện Báo Việt Nam
- Ngày Tết cung đình theo chiều dài lịch sử Việt
- Về câu chuyện Trung Quốc “xâm lược” Việt Nam vào thế kỷ XIX
- Chút gợi nhớ của một người chứng, sau sự ra đi của một nhà tu hành
- Ký Ức Vụn Về Chuyện Học Ở Miền Nam Thời Đệ Nhất Cộng Hòa [4]
- Ký Ức Vụn Về Chuyện Học Ở Miền Nam Thời Đệ Nhất Cộng Hòa [2]
- Ký Ức Vụn Về Chuyện Học Ở Miền Nam Thời Đệ Nhất Cộng Hòa [1]
- Chuyện nước sạch ở Sài Gòn xưa
- Chuyện học hành ngày xưa
- Chuyện thắp sáng Sài Gòn xưa
- Những Ngộ Nhận Về Năm Mất Của Vua Dục Đức Và Cái Chết Đầy Nghi Vấn Của Vua Kiến Phúc
- Tuy Lý Vương Miên Trinh Và Những Biến Động Ở Cung Đình Huế Thập Niên 1880
- Tùng Thiện Vương Miên Thẩm Và Biến Động “Giặc Chày Vôi”
- Câu Chuyện “Bỏ Vua Không Khả” Dưới Triều Vua Thành Thái
- Nghĩ Từ Một Sự Ra Đi
- Cuộc Phiêu Lưu Của Marie Đệ Nhất Quốc Vương Xứ Sedang – Lời Nói Đầu
- Liêm Sĩ Của Người Xưa Qua Cái Chết Kỳ Lạ Của Lý Trần Quán
- Nhân Vật Nguyễn Hữu Chỉnh Thời Tây Sơn
- Thi Võ Ngày Xưa
- Hình Luật Việt Nam Qua Các Chặng Đường Lịch Sử – Phần 2
- Hình Luật Việt Nam Qua Các Chặng Đường Lịch Sử – Phần 1
- Chút Hồi Ức Của Một Người Tù Cải Tạo
- Những Người Việt Nam Đầu Tiên Được Chụp Ảnh Chân Dung Là Ai ?
0 Bình luận