Một cảnh thi võ ngày xưa – nguồn: news.zing.vn

Xã hội phong kiến xưa có hai bất công lớn, một là trọng nam khinh nữ và hai là trọng văn khinh vỏ. Người phụ nữ ở nhà phải phục tùng cha, lấy chồng phải phục tùng chồng, chồng chết phải phục tùng con (Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử); tại triều đình, quan võ bao giờ cũng lép vế hơn quan văn. Để giảm thiểu phần nào những bất lợi từ các quan điểm sai lầm trên, các triều đại phong kiến chú trọng hơn việc đào tạo và tuyển chọn nhân tài trong võ nghiệp bằng những kỳ thi được tổ chức chặt chẽ.

Dưới các triều đại phong kiến, tuy việc binh nhung luôn được chú trọng để bảo vệ bờ cõi và trật tự trị an trong nước, nhưng trước thời vua Lê Dụ Tông (1696-1729), việc học tập võ nghệ có tính tự phát, triều đình không có trường đào tạo và tuyển chọn nhân tài trong võ nghiệp. Điều này phần nào xuất phát từ quan niệm trọng văn khinh võ được thể hiện trong các câu ca dao quen thuộc:

Văn thì cửu phẩm là sang,
Võ thì tứ phẩm còn mang gươm hầu

Hay:

Quan văn mất một đồng tiền,
Làm cho quan võ mất quyền Quận công

Mãi đến năm 1721, chúa Trịnh Cương mới mở trường dạy võ đầu tiên trong cả nước. Theo sách Đại Việt Sử ký Toàn Thư, tháng 8 âm lịch năm 1721, đời vua Lê Dụ Tông, triều đình họp bàn việc mở trường dạy võ và tổ chức thi võ để tuyển người tài. Người phụ trách trường học võ là các quan Giáo thụ, người được nhận vào học là con cháu các công thần và quan lại các cấp. Hàng năm, có hai mùa: đại tập và tiểu tập; đại tập vào 4 tháng trọng (trọng xuân vào tháng hai; trọng hạ vào tháng năm; trọng thu vào tháng tám và trọng đông vào tháng mười một); tiểu tập vào những tháng còn lại của mùa xuân và mùa thu. Xuân – thu tập võ nghệ, hạ-đông tập văn. Khoa thi võ, cũng như văn, được tổ chức ba năm một lần, những ai biết võ nghệ đều được tham dự.

Trong những kỳ thi võ đầu tiên, thí sinh được hỏi về những điều cốt yếu trong sách Tôn Tử Binh Pháp, ai thông hiểu thì cho vào thi võ nghệ, gồm các môn: thứ nhất là cưỡi ngựa, múa thanh mâu dài; thứ hai là đánh kiếm có múa khiên; thứ ba là múa đao. Cuối cùng là thi về phương lược quân sự. Thí sinh nào trúng cách sẽ được hướng dẫn vào sân phủ chúa để thi phúc hạch, sau đó, tùy vào thứ hạng cao thấp mà được bổ dụng (Đại Việt Sử ký Toàn thư – Tập I – Bản kỷ tục biên – NXB Khoa học Xã hội – Hà Nội 1982- trang 120).

Đến thời Nguyễn, năm Minh Mạng thứ 17 (1836), nhà vua lưu ý việc kén chọn những người có võ nghệ, có sức khỏe, có tài thao lược, nên giao cho đình thần bàn định việc tổ chức khoa thi võ. Năm sau (1837), nhà vua định khoa thi Hương vũ (võ) vào những năm Dần, Thân, Tị, Hợi, mở khoa Hội vũ vào những năm Tí, Ngọ, Mão, Dậu.
Thi Hương cũng phân chia các kỳ thi như trong kỳ Hương thí bên văn:

– Kỳ đệ nhất: thi xách quả tạ và múa côn sắt
– Kỳ đệ nhị: thi đánh côn gỗ, thi đao pháp
– Kỳ đệ tam: thi bắn súng

Cách chấm điểm theo ưu, bình, thứ, liệt.

Ai thi đỗ cả ba kỳ được công nhận là võ cử nhân, ai chỉ đỗ hai kỳ là võ tú tài
Thi Hội cũng gồm ba kỳ như thi Hương, ai trúng cả ba kỳ, lại thông hiểu văn tự thì được cho vào Đình thí (thi Đình). Trong kỳ thi này, thí sinh thi dựa vào sách Võ kinh và Tứ tử, viết về cách dụng binh của người xưa. Những quyển văn được nhiều phân số thì được cho đỗ võ tiến sĩ. Những người chỉ trúng tuyển trong kỳ thi Hội mà không có khả năng thi viết trong kỳ thi Đình hoặc đã thi đình mà không đủ phân số thì được gọi là võ phó bảng (Minh Mệnh chính yếu – NXB Thuận Hóa – Huế 1994 – trang 185-186).

Tuy nhiên, đấy chỉ là lý thuyết, về mặt thực tế, không thấy một kỳ thi võ tiến sĩ nào dưới thời vua Minh Mạng, có lẽ do việc tổ chức trường ốc và chương trình dạy chưa được hoàn thiện. Mãi đến tháng 7 âm lịch năm 1846, vua Thiệu Trị mới mở trường thi võ tại kinh thành. Trước đó 5 tháng, nhà vua cho in 45 bộ Võ kinh (sách dạy võ), phát cho các cơ, đội … học tập. Nhưng phải đợi đến tháng 5 âm lịch năm 1865, mới có cuộc thi võ tiến sĩ đầu tiên và chỉ có hai người thi đỗ, một trong hai người là Võ Văn Đức.

Trong cuộc thi này (và những cuộc thi về sau), triều đình vẫn tổ chức thi Hương, thi Hội, thi Đình như qui định thời Minh Mạng, song chặt chẽ và chi tiết hơn.

Các loại binh khí dùng thi võ ngày xưa – nguồn: dungcuvothuat.vn

I – THI HƯƠNG –

Trường thi Hương cũng tổ chức như kỳ thi văn, nhưng phần dành cho sĩ tử chỉ chia làm hai ngăn, ngăn bên tả là vi “Trí”, ngăn bên hữu là vi “Dũng”. Về sau, khi thí sinh đông hơn, người ta ngăn thêm hai vi nữa là vi “Tài” và vi “Lực”, tương đương với bốn vi Giáp, Ất, Tả, Hữu trong kỳ thi văn. Tuy nhiên, tại trường thi còn có khu vực căng lều bạt dành cho quan trường dự kiến cảnh thí sinh thi bắn súng, đắp ụ đất cho thí sinh thi bắn súng. Cạnh ụ súng lại dựng các điếm canh.

Trong cuộc thi võ tiến sĩ năm 1865, ngày mở trường là ngày mùng 2 tháng 5 âm lịch. Kỳ đệ nhất thi múa côn sắt, xách tạ; kỳ đệ nhị múa côn gỗ, múa đao lăn khiên, múa đao dài chuôi, múa gươm dài, đâm bù nhìn bằng rơm; kỳ đệ tam thi bắn súng điểu sang. Sau cùng là thi phúc hạch làm văn. Việc chấm điểm phức tạp hơn thi văn, không chỉ chấm theo chuẩn ưu, bình, thứ, liệt như trong thi văn, mà còn phải kết hợp với những cách khác. Chẳng hạn như thi bắn súng thì căn cứ vào số phát bắn trúng hồng tâm và các vòng tròn trên bia mà xếp hạng.

Về quan trường kỳ thi võ, có chánh phó chủ khảo hai người, phân khảo hai người, quan Đề điệu, quan Giám sát hai người, Kiểm ký hai viên, Tuần kiểm ba viên …

II- THI HỘI VÀ THI ĐÌNH –

Có thể lấy kỳ thi võ năm Canh Thìn (1880), niên hiệu Tự Đức thứ 33 làm tiêu biểu. Kỳ thi được tổ chức tại kinh đô, thí sinh được cấp lương thực trước và trong kỳ thi. Chương trình thi Hội tương tự kỳ thi Hương, chỉ khác ở chỗ nặng hơn vài bậc, chẳng hạn tạ nặng hơn, đường chạy dài hơn, đích nhắm bắn súng đặt xa hơn. Cũng như thể lệ kỳ thi văn, trong thi võ, ai trúng cách kỳ thi Hội mới được vào thi Đình.
Các bài thi trong kỳ thi Đình năm 1880 gồm:

– Thập bát ban võ nghệ: Biểu diễn đủ 18 món binh khí, và sử dụng binh khí thật. Chỉ cần sai một bài là bị đánh hỏng.

– Đấu quyền: Thí sinh phải đấu quyền với 5 lính ngự lâm do quan trường tuyển chọn. Thắng được ít nhất 3 người được điểm ưu, bình, còn thắng 2 người trở xuống thì bị đánh hỏng. Có một qui định rất kỳ lạ là lính ngự lâm nào để thua thí sinh phải chịu phạt lương trong 9 tháng, vì thế một bên (lính ngự lâm) phải trổ hết tài năng để không bị phạt lương, còn một bên (thí sinh) cố đánh thắng để được chấm đỗ.

– Đấu roi, đấu côn: Thí sinh cũng phải đấu với 5 người lính ngự lâm như đấu quyền.
Sau ba kỳ thi này, thí sinh được dùng binh khí tiện dụng nhất để đấu với 5 người lính ngự lâm, thắng ít nhất ba người mới được chấm đỗ.

Sau khi thi xong những môn trên thì trời đã tối, thí sinh được nhà vua ban yến. Ăn xong, lại lao vào kỳ thi đối sách, thí sinh nào viết chậm sẽ được thư ký đằng lục viết hộ.

Cuối cùng là kỳ sát hạch lại môn thi bắn. Mỗi thí sinh được bắn 9 phát và phải bắn trúng đích tối thiểu 3 phát. Cuộc thi kết thúc, quan trường sẽ căn cứ vào số điểm ưu, bình của thí sinh, đệ lên nhà vua cho đỗ võ tiến sĩ.

Ngày truyền lô, một viên quan trong ban giám khảo, áo mũ chỉnh tề, ngồi trên bành voi, dùng loa xướng danh tên những người đỗ được chép trên một bảng có vẽ rồng. Truyền lô xong, người ta rước bảng rồng ra niêm yết ở Phu Văn Lâu để thiên hạ cùng biết. Mỗi tân khoa được ban một cái mũ, một áo bào màu lam, được quan trường đưa vào điện Thái Hòa bái mạng, tạ ơn, dự yến. Họ cũng được ban cờ biển và vinh quy trong ba tháng.

“Tân khoa được phép dùng trạm đi do dịch từ kinh về tận nguyên quán. Khi gần đến tỉnh mình, còn cách ba cung trạm thì quan Tổng đốc và quan Đề đốc bản tỉnh tuân theo giấy sức trong Bộ, phải mang binh lính, voi ngựa ra ngoài ba trạm đón tiếp nhà võ tân khoa …” (Tiên Đàm – Khoa võ Hội thí năm Canh Thìn – Tạp chí Tri Tân – 1941- trang 126).

Người thi đỗ trong kỳ võ Đình thí cũng được xếp vào tam giáp như khoa văn: Đệ nhất giáp võ tiến sĩ cập đệ, Đệ nhị giáp võ tiến sĩ xuất thân; Đệ tam giáp võ tiến sĩ đồng xuất thân. Những người đỗ vớt cũng gọi là võ phó bảng.

Trước thời Nguyễn, các võ tiến sĩ được gọi là Tạo sĩ, làm quan chỉ vào hàng ngũ phẩm. Quan điểm trọng văn khinh võ thể hiện rất rõ: quan văn cải làm quan võ thì người cha bị phạt 50 quan tiền, còn nếu từ võ cải sang văn thì người cha được thưởng 50 quan tiền! Ngoài ra, từ võ cải sang văn thì giảm mất một trật (ví dụ văn đang từ chánh tam phẩm thì sau khi cải sang võ, chỉ còn chánh tứ phẩm).

Hàng võ quan cao nhất triều Nguyễn là Ngủ quân Đô thống phủ, Đô đốc Chưởng phủ sự, hàng Chánh nhất phẩm, gồm Trung quân, Tả quân, Hữu quân, Tiền quân và Hậu quân. Quân lính ở kinh đô gọi là kỳ binh, gồm thân binh, cấm binh và tinh binh, chia thành doanh, vệ, đội, ngũ. Đứng đầu mỗi doanh là một Chưởng vệ (tòng nhị phẩm), đứng đầu mỗi vệ là một Vệ úy (chánh tam phẩm), đứng đầu các đội là Chánh đội trưởng suất đội. Riêng thành phần lính phục dịch riêng nhà vua, có các đội Cẩm y, Kim ngô, Loan giá, Thị vệ.

Tả quân Lê Văn Duyệt, một trong những võ quan xuất sắc của triều Nguyễn

Võ quan đứng đầu cấp tỉnh là Lãnh binh (chánh tam phẩm), đứng đầu các thành trì lớn như Hà Nội là Đề đốc (tòng nhị phẩm, ngang với Tuần phủ bên văn); đứng đầu các cơ binh là Quản cơ (chánh tứ phẩm); đứng đầu các đội là Suất đội (tòng ngũ phẩm). Khi chính sách đồn điền được phát triển mạnh mẽ vào thập niên 1850, những người mộ được 50 dân trở lên được phong chức Suất đội, ai mộ được 500 dân trở lên được phong Phó Quản cơ (tòng tứ phẩm).

Võ tiến sĩ Lê Trực từng là Đề đốc thành Hà Nội, hưởng ứng hịch Cần vương, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp tại Quảng Bình, từng gây cho Pháp nhiều tổn thất. Sau khi vua Hàm Nghi bị bắt, thế cùng lực tận, ông trở về quê nhà, sống bình dị trong những ngày cuối đời.

 

Lê Nguyễn
17.2.2019

Nguồn: Trang FB của Lê Nguyễn

 

Bài Cùng Tác Giả:

0 Bình luận

Bình Luận