Phần 1. Hình Luật Việt Nam Trước Thời Nguyễn

Xét về cổ luật ở nước ta, có tác giả viện dẫn một đoạn trong sách Hậu Hán Thư do Phạm Việp soạn vào thế kỷ thứ V, dịch nghĩa như sau: “(Mã Viện) có điều trần tâu lên luật của người Việt so sánh với luật Hán hơn 10 điều. Rồi ban bố rõ phép cũ cho người Việt biết, để bó buộc dân Việt. Từ đó về sau, dân Lạc Việt phải tuân theo phép cũ của Mã Viện” (Tạp chí Đại học – số 7 – Sài Gòn – tháng 1.1959, trang 89) – (Vũ Văn Mẫu – Cổ luật Việt Nam và Tư pháp sử – Quyển thứ nhất – Sài Gòn 1973 – trang 126).

Chi tiết này khiến nhiều người tin rằng từ thời Hai bà Trưng trở về trước, dân ta đã có bộ luật riêng, song cũng có người đưa ra nhiều luận cứ bác bỏ hoặc hoài nghi về tính xác thực của giả thuyết này. Dù sao, đây cũng là một chi tiết thú vị dành cho các nhà nghiên cứu Hán-Nôm về cổ luật Việt Nam.

Sau thời Trưng vương, trong gần 900 năm Bắc thuộc, sinh hoạt ở nước ta bị chi phối bởi hai bộ luật:

– Luật nhà Hán do Tiêu Hà soạn dưới thời Hán Cao Tổ (206-194 trước CN), dựa vào bộ Pháp Kinh do Lý Khôi thảo ra từ thời Chiến quốc (403-232 trước CN)

– Luật nhà Đường (618-907) có tên Đường Luật Sớ Nghị, do Phòng Huyền Linh và Trường Tôn Vô Kỵ soạn dưới đời vua Đường Cao Tổ, dựa vào bộ luật do Tô Uy soạn dưới đời Tùy (589-617)

Sau khi nước ta giành lại được nền độc lập lâu dài, nhà Đinh tiếp nối nhà Ngô đã ban hành những điều luật hết sức nghiêm khắc để trừng trị kẻ phạm tội như bỏ vào vạc dầu sôi, thả vào chuồng thú cho cọp xé xác… Điều này thể hiện quyết tâm củng cố uy quyền của Đinh Bộ Lĩnh, đồng thời để ngăn ngừa sự trỗi dậy của những sứ quân đã bị ông đánh dẹp.

Bộ luật có qui củ đầu tiên của nước ta có lẽ là bộ Hình thư, được ban hành năm 1042, đời vua Lý Thái Tông (1028-1054). Sách Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú (1782-1840) đã viết về Hình thư như sau: “Buổi đầu , trong việc hình ngục, kiện cáo phiền nhiễu, pháp quan câu nệ luật văn, chuộng sự nghiêm khắc, phần nhiều oan uổng sai phạm. Thái Tông thường lấy làm thương dân, mới sai quan Trung thư sửa định luật lệnh, tham chước những điều thông dụng trong thời ấy, chia làm môn loại, chép rõ điều mục, thành bộ Hình thư của một đời để cho nhà người xem dễ hiểu. Sách làm xong, có chiếu ban hành, nhân dân lấy làm tiện. Đến đó, phép xử tội tất rõ ràng” ( Sđd – Tập II – NXB Khoa học Xã hội- Hà Nội 1992, trang 288).

Đáng tiếc là bộ Hình thư cũng chung số phận với hầu hết sách vở của ta soạn trước thời Lê, đều bị quan quân nhà Minh tịch thu và chở hết về Kim Lăng vào thập niên đầu thế kỷ XV. Để biết được chút ít về bộ luật này, phải dựa vào những bộ sách khác. Năm 1230, nhà Trần cho soạn sách Quốc Triều Hình Luật, dựa vào các lệ đời trước để làm. Sách “Cố Sự Sao” nhận định: “Hình pháp nhà Trần rất tàn khốc, kẻ ăn trộm và kẻ trốn tránh thì bị chặt ngón chân, giao cho người (sự chủ) được thỏa ý (xử trị) hoặc cho voi giày chết” (Phan Huy Chú – sđd – trang 290). Đời Trần Dụ Tông (1341-1369), hai đại thần Trương Hán Siêu và Nguyễn Trung Ngạn được lệnh soạn bộ Hình Luật Thư, nay cũng không còn.

Đến thời Lê, đã có nhiều điều kiện để tìm hiểu về luật pháp, vì đã giành lại nền độc lập sau 10 năm kháng chiến và đẩy lùi quân phương Bắc. Thời kỳ cực thịnh về hành chánh và pháp luật kéo dài 70 năm (1428-1497), trải qua các đời vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, và nhất là đời Lê Thánh Tông. Năm 1428, Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi với niên hiệu Thuận Thiên, đặt ra những luật lệ mới, chủ yếu dựa vào luật nhà Đường, chia hình phạt ra làm ngũ hình (5 loại hình phạt): xuy (phạt bằng roi), trượng (phạt bằng gậy), đồ (làm việc nặng nhọc), lưu (đi đày), tử (xử tử). Năm sau (1429), nhà vua ban hành một điều luật khác: “…Đánh bạc thì chặt bàn tay 5 phân, đánh cờ thì chặt bàn tay 2 phân. Lại còn những kẻ vô cớ không phải việc công mà họp nhau uống rượu thì bị 100 trượng, kẻ dung túng thì tội giảm một bậc …” (Phan Huy Chú – sđd – trang 292).

Bộ luật Hồng Đức

Tuy nhiên, phải đợi đến đời Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức, bộ hình luật tiến bộ và đầy đủ nhất thời đó mới ra đời với cái tên “Quốc triều Hình luật”, về sau, các nhà nghiên cứu gọi ngắn gọn là luật Hồng Đức. Bộ luật này dựa phần nào các bộ luật đời Tùy, Đường, có trên 700 điều, được Phan Huy Chú đánh giá là “cái mẫu mực để trị nước, cái khuôn phép để buộc dân” (LTHCLC). Sau thời kỳ Hồng Đức, giai đoạn nhiễu nhương của xã hội Đại Việt kéo dài gần 300 năm, khởi đầu từ việc Mạc Đăng Dung soán ngôi vua Lê đến thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh và cuối cùng là sự kết thúc của triều đại nhà Lê (1788). Trong những điều kiện như vậy, luật lệ không được chú trọng đúng mức, nhiều trường hợp cần sửa đổi cho phù hợp với hiện trạng xã hội, song họ Trịnh ở phương Bắc và họ Nguyễn ở phương Nam bận đối phó nhau nên xao lảng việc củng cố sinh hoạt xã hội thông qua luật lệ. Nói chung, trong suốt thời nhà Lê kéo dài 360 năm (1428-1788), bộ luật Hồng Đức là văn kiện pháp lý cơ bản nhất.

Tính nhân bản nổi bật trong tinh thần bộ luật Hồng Đức thể hiện qua những hình phạt qui định cho các tội bất hiếu (chửi rủa ông bà, cha mẹ, không tuân lệnh cha mẹ…), tội loạn luân (thông dâm với thân thuộc từ hàng thứ tư trở lên, hoặc với tỳ thiếp của cha hay của ông) … Trong xã hội phong kiến nặng tinh thần trọng nam khinh nữ, coi thường những quyền lợi chính đáng của người phụ nữ, thì bộ luật thời Lê Thánh Tông dành cho phái nữ sự đối xử tương xứng hơn. Những bất công nặng nề được nhà vua lưu ý và chỉnh sửa bằng luật pháp. Trong một chỉ dụ, nhà vua nêu rõ những qui định về việc cưới hỏi để bảo vệ quyền lợi những phụ nữ sắp về nhà chồng. Khi đã làm lễ hỏi rồi thì không được để đến ba bốn năm sau mới rước dâu. Trong 24 điều luật phổ biến trong dân, vua Lê Thánh Tông đề ra những khoản khá tiến bộ (so với thời đó), trong quan hệ vợ chồng, nhất là trong việc bảo vệ người phụ nữ, ví dụ như:

– Điều 3: vợ chồng cần kiệm làm ăn, ân nghĩa trọn vẹn, duy chỉ có khi nào người vợ phạm tội thất xuất thì mới được bỏ, chứ không được khiên ái, cẩu dung, làm hại đến phong hóa.

– Điều 17: Các hàng quán bên đường có phụ nữ đi xa đến trọ thì phải phòng giữ. Nếu để hà hiếp ô nhục người ta, việc phát giác ra thì người phạm tội và người chủ nhà đều phải trị tội cả. (Trần Trọng Kim – Việt Nam Sử Lược – NXB Văn Học – Hà Nội-2012, trang 267-268).

Tuy nhiên, tiến bộ hơn cả là những quy định có tính răn đe, trừng trị những hành vi sách nhiễu dân chúng, quan lại câu kết nhau để làm điều sai quấy:

“Năm thứ 8 (1477), sắc dụ rằng các quan Thừa (ty), Hiến (ty), phủ huyện các xứ, về những việc thường xảy ra ở dân gian, như đại hạn mà không đảo vũ, ngập lụt mà không khơi nước, việc lợi mà không làm ngay, việc hại mà không trừ ngay, thì xử tội lưu. Lại định luật cấm giao thông, phàm quan võ văn nếu là người thân thích của (các võ quan), hai vệ (Cẩm) y, Kim (ngô) mà tìm cớ tặng biếu, đi lại ăn uống, thì kẻ cầu giao hảo, và người cùng giao hảo đều bị bắt giao cho Đình úy xử trị. Quan ở ngoài mà giao thông với quan trong nội thì xử chém. Quan có trách nhiệm mà không tra xét nếu ra thì xử tội lưu.

“ Năm thứ 19 (1488), có chiếu định kỳ hạn (xử) việc kiện nhỏ là 5 ngày, việc kiện lớn là 10 ngày…” (Phan Huy Chú – sđd)

Hoặc:

Điều 13- (trong hai điều kể trên):
Quan dân đều phải hiếu đễ và chăm chỉ làm ruộng, cùng giúp đỡ lẫn nhau, khi đi làm việc quan không được trễ biếng, trốn tránh

Điều 22 – Những người làm quan phủ, huyện mà biết khuyên bảo dân gian làm điều lễ nghĩa khiêm nhường, có quan Thừa chính, Hiến sát xét thực thì được cho vào hạng tốt, nếu ai không chăm dạy bảo dân thì cho là người không xứng chức
(Trần Trọng Kim – sđd – trang 268-269)

Điều đáng nhấn mạnh ở đây là dưới triều Lê, vào đầu thế kỷ XVIII, lần đầu tiên nước ta có một bộ luật tố tụng riêng. Đó là bộ Quốc Triều Khán Tụng Điều Lệ hay Quốc Triều Từ Tụng Điều Lệ gồm tất cả 31 chương. Điều này ngay cả luật pháp Trung Quốc thời đó cũng chưa từng có. Trong tác phẩm Dân Luật Khái Luận, giáo sư Vũ Văn Mẫu đã nhận định rằng nền luật pháp triều Lê là một phản ành trung thực của xã hội Việt Nam. Do phù hợp với các điều kiện xã hội và tôn giáo đương thời, bộ luật này tác động rất mạnh lên sinh hoạt của xã hội. Các điều khoản của nó còn để lại dấu ấn trong nhiều phong tục của ta về hôn nhân, gia đình sau này.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ đáng ghi nhận, vẫn còn có một vài điều đáng chê trách, tiêu biểu là những quy định về việc dùng tiền chuộc tội. Theo luật thời đó, người bị tội trượng có thể bỏ ra từ 1 đến 5 tiền để chuộc, tùy người phạm tội là quan hay dân, địa vị càng cao, nộp tiền chuộc càng nhiều, ví dụ để giảm được một trượng, thường dân phải nộp 1 tiền, còn quan lại hàm tứ phẩm phải nộp 4 tiền. Xem như thế có thể thấy, ngay cả trong tệ đoan này, sự cư xử với người phạm tội cũng có phần công bằng và hợp lý, người hiểu biết rộng, có địa vị cao trong xã hội thì khi phạm tội, bị xử nặng và chuộc tội nhiều tiền hơn người dân thường, nghèo hơn và ít hiểu biết hơn. Nhiều tội hình khác cũng được dùng tiền để chuộc, ngay cả với tội giết người. Ở tội này, quan nhất phẩm phải đền mạng đến 15.000 quan tiền, còn thường dân chỉ đền 150 quan…

Đến đời chúa Trịnh Tạc (1657-1682), quy định về việc dùng tiền chuộc tội bị bãi bỏ.

 

Lê Nguyễn
30.12.2018

 

Bài Cùng Tác Giả:

0 Bình luận

Bình Luận