Nhân Vật Nguyễn Hữu Chỉnh Thời Tây Sơn
Trong mối quan hệ giữa phong trào Tây Sơn và chính quyền Lê-Trịnh ở Đàng Ngoài, Nguyễn Hữu Chỉnh là một trong những nhân vật hàng đầu, đã góp phần không nhỏ vào những diễn biến chính trị và quân sự suốt thập niên 1780. Từ một quan nhỏ của nhà Lê, ông đầu phục nhà Tây Sơn, làm được nhiều việc cho phong trào này và cuối cùng đã chết dưới tay một tướng Tây Sơn là Vũ Văn Nhậm. Đọc về cuộc đời của Nguyễn Hữu Chỉnh, có thể thấy ông là người đa mưu túc kế, tuy nhiên, theo nhận định của nhiều cây bút, ông đã phải trả giá cho một số hành động gian hiểm mà ông đã thi thố vào những năm cuối đời.
Nguyễn Hữu Chỉnh sinh năm 1741 tại làng Đông Hải, huyện Chân Phúc, trấn Nghệ An, là người thông minh dĩnh ngộ từ nhỏ, năm 16 tuổi đã thi đỗ hương cống (hương tiến, sau là cử nhân) nên vẫn thường được người đương thời gọi là Cống Chỉnh. Các sách báo thường kể lại câu chuyện khi ông còn nhỏ, thầy đồ ra đề thơ “Vịnh cái pháo” cho học trò làm và bài thơ của Chỉnh được mọi người công nhận là hay:
Xác không vốn những cậy tay người,
Bao nả công trình, tạch cái thôi !
Kêu lắm lại càng tan tác lắm,
Thế nào cũng một tiếng mà thôi.
Bài thơ được người thầy khen, song ông cũng có nhận xét là sau này cậu học trò làm được việc lớn trong thiên hạ, nhưng rồi cuộc đời cũng tan tác như chiếc pháo.
Thân phụ Nguyễn Hữu Chỉnh là một phú thương, thường ra vào phủ của Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc (thường gọi là “quận Việp”) nên ông được họ Hoàng thu nạp khá sớm và tiến cử với triều đình, được bổ chức Tự thừa.
Năm 1774, nhân những rối loạn tại phủ chúa Nguyễn do quyền thần Trương Phúc Loan gây ra, chúa Trịnh Sâm cử Hoàng Ngũ Phúc mang quân vào Nam đánh lấy Phú Xuân. Nhân dịp này Nguyễn Hữu Chỉnh đi theo và được Phúc cử mang sắc và ấn đến trại Tây Sơn, thuyết phục Nguyễn Nhạc quy phục triều đình. Nhạc thấy mình đang ở trong tình trạng phải vừa chống chúa Nguyễn ở phía Nam, vừa đối phó quân Trịnh ở phía Bắc nên thuận theo lời khuyên của Chỉnh, được Hoàng Ngũ Phúc tâu về triều phong cho Nhạc làm Tuyên úy Đại sứ Cung Quốc công, trấn thủ đất Quảng Nam.
Trong những dịp tiếp xúc với nhau, Nhạc tỏ lòng yêu mến Chỉnh vì thấy ông là người có tài biện bác, lanh lợi. Cũng trong năm đó, Hoàng Ngũ Phúc qua đời vì bệnh, quyền hành trong quân được chúa Trịnh giao cho cháu ông là Huy Quận công Hoàng Đăng Bảo (dân gọi tắt là quận Huy, còn có tên là Hoàng Tố Lý), lãnh chức Trấn thủ Nghệ An. Từng ở chung với nhau trong chuyến Nam chinh đánh lấy Phú Xuân, quận Huy có biệt nhãn đối với tài năng của Chỉnh, cử làm hữu tham quân, giao cho việc huấn luyện binh sĩ chống cướp biển.
Đường công danh của quận Huy ngày càng rỡ ràng, sau khi được chúa Trịnh gả con gái cho. Từ đó, quận Huy thường xuyên ra vào phủ chúa, tiếp xúc với Tuyên phi Đặng Thị Huệ, người vừa sinh cho chúa Trịnh Sâm một cậu con trai đặt tên là Trịnh Cán, nuôi mộng cho con được tiếp quản ngôi chúa sau này. Tuy nhiên khi cậu con trai của Đặng thị mới ra đời thì con trai lớn của Trịnh Sâm và vương phi họ Dương là Trịnh Tông (sau gọi là Trịnh Khải) đã 14 tuổi. Theo lệ lúc bấy giờ, khi người con trai nối dõi chúa đến 12 tuổi thì được dời ra ở Đông cung (nhà phía Đông) nhưng Trịnh Sâm không cho Thế tử ra đó ở. Năm Trịnh Tông 18 tuổi, lẽ ra được mở phủ riêng, nhưng chúa Trịnh cũng lờ luôn. Từ đó, trong phủ chúa sinh ra nạn bè phái, người ủng hộ Thế tử Trịnh Tông, người ủng hộ vương phi Đặng Thị Huệ với cậu con trai (Trịnh Cán) mới ra đời năm 1777. Quận Huy Hoàng Đăng Bảo thường cậy sự hỗ trợ của Đặng Thị, mặt khác người vương phi này cũng muốn dựa vào thế lực mạnh mẽ của Bảo để làm hậu thuẫn cho mình.
Tháng 9 âm lịch (AL) 1782, chúa Trịnh Sâm qua đời, thọ 44 tuổi, để lại thư cố mệnh giao ngôi chúa cho Trịnh Cán (con Đặng Thị Huệ) và sách phong Tuyên phi để các quan tâu lên vua Lê. Vậy là vua Lê Hiển Tông ban sắc dụ lập Thế tử Trịnh Cán mới 5 tuổi làm Điện Đô vương.
Con ruột đã được lên ngôi, song Thế tử Trịnh Tông vẫn còn đó, vẫn còn là cái gai trong mắt Đặng thị, người đàn bà này tìm cách hãm hại cho rảnh trí. Sự xung đột lên đến đỉnh điểm, quan quân tam phủ nổi lên, sát hại anh em quận Huy, Đặng thị phải đi trốn, Trịnh Cán bệnh rồi mất. Cuối cùng, người vương phi này bị giáng xuống làm cung tần nội thị, về sau cũng tự sát chết theo chồng.
Trong tình thế đó, vốn là một thủ hạ tâm phúc của quận Huy Hoàng Đăng Bảo, Nguyễn Hữu Chỉnh liệu không thể ở lại kinh đô được nữa, bèn giong buồm vào Qui Nhơn ra mắt Nguyễn Nhạc, xin vì tình cũ ban cho một chốn dung thân. Nhạc không tin hẳn vào thiện chí quy phục của Chỉnh, song biết Chỉnh là người có tài nên vẫn thu nhận.
Tại Thăng Long, sau khi Nguyễn Hữu Chỉnh trốn đi một thời gian, chúa Trịnh Tông lấy làm lo sợ, vội cử người em rể của Chỉnh vào Qui Nhơn gặp Chỉnh để thăm dò. Chỉnh tiếp đãi người em rể tử tế, hỏi han chi tiết về những gì đã xảy ra cho công chúa (con gái chúa Trịnh Doanh, vợ quận Huy) con quận Huy, Tuyên phi Đặng Thị Huệ… Cuối câu chuyện, Chỉnh hỏi người em rể vào gặp mình với mục đích gì, anh này tình thực khai rằng chúa Trịnh “giáng chỉ sai tôi đến đây khuyên quan lớn về triều, cho khỏi mất công danh phú quý” (Hoàng Lê Nhất Thống Chí). Nghe xong, Chỉnh cười:
“ ‘Chú là đứa ngu, ta thực không thèm chấp. Song ta chỉ ghét cái đứa sai chú đến đây dám khinh nhờn ta. Vậy ta kết quả (liễu?) tính mạng cho chú, nếu có oan ức thì cứ xuống âm phủ mà kiện cái đứa đã sai chú đấy!’. Rồi Chỉnh hạ lệnh cho tay chân lôi luôn người ấy ra chém chết” (Hoàng Lê Nhất Thống Chí – NXB Văn Học – Hà Nội 2006 – trang 85)
Được tin ấy, Nguyễn Nhạc đã tin Nguyễn Hữu Chỉnh một phần. Tháng 4 AL 1786, nhân khi nạn đói hoành hành bốn trấn phía Bắc, dân tình khốn khổ, theo lời bàn của Chỉnh, Nhạc cử Nguyễn Huệ làm Tiết chế Thủy bộ chư quân Thượng tướng công, cùng rể là Vũ Văn Nhậm làm Tả quân Đô đốc, Nguyễn Hữu Chỉnh làm Hữu quân Đô đốc, đưa quân ra đánh lấy Phú Xuân còn ở trong tay quân Trịnh. Để Nhạc khỏi nghi ngờ lòng trung thành của mình, Chỉnh để vợ con ở lại Qui Nhơn làm con tin. Thế mạnh của quân Tây Sơn khiến quân Trịnh thua tan tác, Nguyễn Huệ vừa kịp ổn định tình hình và báo tin thắng trận về cho Nguyễn Nhạc thì Nguyễn Hữu Chỉnh đã hiến kế tiếp tục đánh ra Bắc:
“Ngài vâng lệnh ra lấy Thuận Hóa, đánh một trận mà xong, oai danh lừng lẫy khắp thiên hạ. Phép dùng binh có ba điều cốt yếu, một là “thời”, hai là “thế”, ba là “cơ”; ba điều ấy đều có cả thì đánh đâu cũng thắng. Nay ở Bắc Hà tướng lười binh kiêu, triều đình không còn kỷ cương gì cả, ta thừa thế mà đánh lấy, như trong sách đã nói: ‘Chiếm nước yếu, đánh nước ngu, lấy nước loạn, lấn nước suy vong’. Cơ và thời ấy không nên bỏ lỡ” (Hoàng Lê Nhất Thống Chí – sđd – trang 90).
Bề ngoài, Nguyễn Huệ chỉ thực hiện mệnh lệnh của vương huynh Nguyễn Nhạc đánh chiếm lấy kinh đô Phú Xuân của nhà Nguyễn từ tay quân Trịnh, song sự phân tích thấu đáo của Nguyễn Hữu Chỉnh cũng phù hợp với suy nghĩ của ông từ trước. Ông nói riêng với Chỉnh điều còn phân vân:
“Đó là việc rất hay! Nhưng nay ta vâng mệnh đi đánh Thuận Hóa, không phải vâng lệnh đi đánh nước người (ám chỉ Bắc Hà – LN). Tự ý thay đổi mệnh lệnh của nhà vua như thế thì ra làm sao?”
Chỉnh bồi thêm câu nói:
“ Trong kinh Xuân Thu có nói: ‘Thay đổi nhỏ mà công lao lớn, ấy là có công’. Như thế thì thay đổi cũng có ngại gì đâu? Huống hồ, ngài há chẳng nghe nói câu: ‘tướng ở ngoài, mệnh vua có khi không cần phải theo’ đấy ư?”
(HLNTC – sđd – trang 92)
Tài biện bác của Chỉnh khiến Huệ nghe xuôi tai, liền quyết định tiến quân ra Bắc. Quân Tây Sơn do Chỉnh dẫn đi đầu, Huệ đi sau, tiến chiếm Nghệ An, Thanh Hoa, thế như chẽ tre, quan quân triều đình tan rã dần, khi đến gần Thăng Long thì chúa Trịnh Tông cưỡi voi chạy khỏi kinh thành, nửa đường bị dân bắt giải đi, cuối cùng ông tự sát. Nguyễn Huệ vào thành Thăng Long, ra mắt vua Lê Hiển Tông, tâu trình mục đích “phù Lê diệt Trịnh” của chiến dịch tiến quân ra Bắc, được nhà vua phong làm Nguyên súy Dực chính Phù vận Uy Quốc công. Tước Quốc công là tước lớn chỉ sau tước Vương của chúa Trịnh, song Nguyễn Huệ đã nói riêng với Nguyễn Hữu Chỉnh:
“Ta đem mấy muôn quân, một lần cử binh mà định yên được Bắc hà, thước đất, tấc dân chẳng là không phải sở hữu của ta ư? Nếu ta xưng vua, xưng chúa thì có chi là không được? Sở dĩ ta nhường mà không ở vào địa vị ấy là ta hậu đãi nhà Lê đó. Việc gọi là nguyên súy, là quốc công có thêm gì cho ta đâu. Chớ lấy cái hư danh mà lung lạc, ràng buộc ta nhé”.
(Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện – Nhà Tây Sơn – Sài Gòn 1970 – Trang 97
Ngô Cao Lãng – Lịch Triều Tạp Kỷ – NXB Khoa Học Xã hội – Hà Nội 1995 – trang 576-577)
Câu nói ấy cho thấy tham vọng của Nguyễn Huệ còn cao hơn nữa. Nguyễn Hữu Chỉnh biết ý, tâu với vua Lê gả công chúa Lê Ngọc Hân cho Huệ.
Ở Qui Nhơn, Nguyễn Nhạc được Huệ báo tin thắng lợi tại kinh sư, nhưng vì sự tự chuyên của người em mà nỗi lo lớn hơn nỗi mừng. Ông ta muốn ban lệnh cho Huệ rút quân về, nhưng lại nghĩ nếu làm thế thì Huệ sẽ viện dẫn lý này lý nọ để ở lâu tại Thăng Long, chi bằng ông ta thân hành ra Bắc, vừa để công khai hóa sự hiện diện của vua nhà Tây Sơn với thần dân xứ Bắc, vừa áp lực cho Huệ trở về Nam.
Quả thực sự hiện diện của Nguyễn Nhạc tại Thăng Long đã phát huy tác dụng như ông ta mong muốn. Đến gần ngày rút quân trở về Nam, giao kinh thành lại cho tự quân nhà Lê là Lê Chiêu Thống, cả Nhạc lẫn Huệ cùng chung ý nghĩ: Nguyễn Hữu Chỉnh là người cơ mưu, quyền biến, song giảo hoạt, để ở bên cạnh lâu sẽ sinh hậu hoạn, tốt hơn hết là bỏ Chỉnh ở lại Bắc hà. Việc rút quân diễn ra âm thầm, không để lộ một dấu hiệu gì cho Chỉnh biết trước, đến khi Chỉnh hay thì quân Tây Sơn đã đi xa rồi.
Hoảng quá, vì nếu biết ở lại Thăng Long sẽ phải gánh nhiều hậu quả khôn lường, Chỉnh vội bắt một chiếc thuyền, đuổi theo đoàn quân Tây Sơn đi bằng đường bộ. Cuối cùng, Chỉnh bắt kịp đoàn quân của Nguyễn Huệ tại Vĩnh Doanh, Nghệ An. Gặp lại Chỉnh, Huệ vừa bất ngờ, vừa lo, tìm cách trấn an và lưu Chỉnh lại Nghệ An, cấp cho vàng bạc để mộ quân ở địa phương.
Nguyễn Hữu Chỉnh không còn con đường nào khác, phải ở lại xứ Nghệ, ban hịch tuyển quân, bằng những biện pháp khắc nghiệt nhất và không lâu sau đã có trong tay một lực lượng hùng hậu. Lúc bấy giờ, tại triều đình, quan lại nhà Lê vừa lo sợ trước sức mạnh và sự đe dọa của nhà Tây Sơn, vừa bị áp lực, sự mua chuộc của dòng họ Trịnh còn lại, đã buộc vua Lê Chiêu Thống phải phong Trịnh Bồng là Án Đô vương, gián tiếp phục hồi chế độ vua Lê-chúa Trịnh ở Bắc Hà.
Được tin về thanh thế của Chỉnh ở Nghệ An, Trịnh Bồng cử con của Khuê Phong hầu Phan Huy Cận (sau đổi là Phan Huy Áng), người Nghệ An, là Phan Huy Ích làm Đốc thị, mang quân phối hợp cùng Trấn thủ Thanh Hoa là Lê Trrung Nghĩa để “hỏi tội” Chỉnh. Chỉnh hay tin quân triều sắp vào, vội báo về Phú Xuân cho Nguyễn Huệ, cho hay họ Trịnh lại lên ngôi chúa và xin cử quân tăng viện. Quân hai bên đụng nhau một trận ác liệt tại ranh giới Nghệ An-Thanh Hoa, Lê Trung Nghĩa bị quân Chỉnh chém đầu, Phan Huy Ích bị bắt sống, Chỉnh thừa thắng xua quân ra Bắc.
Tại Thăng Long, Án Đô vương Trịnh Bồng được tin dữ, biết ở lại sẽ không toàn tính mạng, liền bỏ trốn khỏi kinh thành. Chỉnh đưa quân vào kinh đô xong, ra mắt vua Lê Chiêu Thống, trấn an nhà vua và được bổ làm Bình chương quân quốc trọng sự, tước Bằng Trung công, con trai là Nguyễn Hữu Du được phong tước Hầu. Tuy chưa được phong tước vương như chúa Trịnh, nhưng quyền uy của Chỉnh cũng lớn như quyền uy của người ở ngôi chúa, đến nổi sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí đã viết rằng “Từ đó, quyền Chỉnh thật ngang với nhà vua, thế của Chỉnh có thể lật nghiêng cả nước” (sđd – trang 179). Được thể, quan quân của Chỉnh hoành hành, cướp bóc của dân, tiếng oán thán thấu đến trời xanh, đến vua Lê Chiêu Thống cũng phải họp kín với một số cận thần, tìm cách đối phó với Chỉnh.
Ở Phú Xuân, Nguyễn Huệ cũng được tin về những thắng lợi của Chỉnh và ý đồ của Chỉnh muốn kéo quân vào làm chủ đất Nghệ An, nhân cuộc binh đao mấy tháng liền của hai anh em, Nguyễn Nhạc – Nguyễn Huệ. Lúc bấy giờ, trừ khử Chỉnh trở thành một nhu cầu cấp bách của nhà Tây Sơn, tháng 11 AL 1787, Huệ vội cử Vũ Văn Nhậm mang quân ra Bắc hỏi tội Chỉnh. Khi được tin quân Nhậm sắp ra đến Thăng Long, Chỉnh liệu bề không chống cự nổi, đã đưa vua Lê Chiêu Thống ra khỏi kinh thành, tìm đường lên phía Bắc.
Trong một cuộc đụng độ tại khu vực gần Bắc Ninh, Chỉnh bị quân Tây Sơn bắt, xin ra mắt Vũ Văn Nhậm, Nhậm không cho, “sai người kể tội Chỉnh rằng: ‘Mày vốn là tôi chúa Trịnh, rồi lại phàn chúng tao về Bắc, lừa dối vua Lê, chiếm lấy ngôi cả, tự tiện làm oai làm phúc, ngấm ngầm lo mưu lấn cướp để tranh giành với chủ tao. Xét cuộc đời mày, toàn học thói cũ của quân giặc loạn, phải phanh gan ruột mày ra, bỏ hết những cái dơ bẩn, để người Bắc lấy mày làm răn!’”(HLNTC – sđd – trang 253-354)
Đó là lời kết tội cuối cùng dành cho Nguyễn Hữu Chỉnh. Sau đó, Vũ Văn Nhậm ra lệnh phanh thây Chỉnh, thả cho chó ăn.
Cuộc đời của một con người lắm cơ mưu nhưng cũng thừa giảo hoạt đã kết thúc như thế. Việc giết Chỉnh cũng đồng thời mở đường cho nhà Tây Sơn giành lấy ngôi nhà Lê diễn ra không lâu sau đó.
Lê Nguyễn
25.2.2019
Nguồn: Trang FB của Lê Nguyễn
Bài Cùng Tác Giả:
- Toàn Quyền Đông Dương Paul Doumer Và “Chứng Điên” Của Vua Thành Thái
- Cựu Hoàng Thành Thái Sống Ra Sao Trong Những Năm Tháng Bị Lưu Đày?
- Sứ Mạng Bất Thành Của Sứ Bộ Miến Điện Tại Việt Nam Dưới Triều Vua Minh Mạng
- Chút Ký Ức Về Một Quãng Đời Sau Ngày 30.4.1975 [2]
- Chút Ký Ức Về Một Quãng Đời Sau Ngày 30.4.1975 [1]
- Thân Phận Người Phụ Nữ Trong Cung Đình Xưa
- Ngày Tết cung đình theo chiều dài lịch sử Việt
- Những thú vui vang bóng một thời
- Về câu chuyện Trung Quốc “xâm lược” Việt Nam vào thế kỷ XIX
- Ký Ức Vụn Về Chuyện Học Ở Miền Nam Thời Đệ Nhất Cộng Hòa [3]
- Ký Ức Vụn Về Chuyện Học Ở Miền Nam Thời Đệ Nhất Cộng Hòa [1]
- Chuyện học hành ngày xưa
- Mấy Cảm Nghĩ Vụn Vặt Về Thơ Nguyễn Bắc Sơn
- Những Ngộ Nhận Về Năm Mất Của Vua Dục Đức Và Cái Chết Đầy Nghi Vấn Của Vua Kiến Phúc
- Mối Quan Hệ Của Cộng Đồng Người Hoa Với Phong Trào Tây Sơn Trong Cuộc Nội Chiến 1771-1802
- Tuy Lý Vương Miên Trinh Và Những Biến Động Ở Cung Đình Huế Thập Niên 1880
- Tùng Thiện Vương Miên Thẩm Và Biến Động “Giặc Chày Vôi”
- Chuyện “Đào Mả Không Bài” Dưới Triều Duy Tân
- Nhớ Văn Cao (1923 – 10.7.1995)
- Câu Chuyện “Bỏ Vua Không Khả” Dưới Triều Vua Thành Thái
- Tình Yêu Và Người Quả Phụ Trong Chiến Tranh
- Chút Hồi Ức Về Những Ngày Bệnh Xá Năm 1975
- Cuộc Phiêu Lưu Của Marie Đệ Nhất Quốc Vương Xứ Sedang – Lời Nói Đầu
- Cuộc Nổi Dậy Của Nhà Tây Sơn – Lời Giới Thiệu
- Liêm Sĩ Của Người Xưa Qua Cái Chết Kỳ Lạ Của Lý Trần Quán
- Thi Võ Ngày Xưa
- Kỷ Niệm Về Một Kịch Thơ Đêm Cuối Năm Xa Nhà
- Hình Luật Việt Nam Qua Các Chặng Đường Lịch Sử – Phần 2
- Hình Luật Việt Nam Qua Các Chặng Đường Lịch Sử – Phần 1
- Chút Hồi Ức Của Một Người Tù Cải Tạo
0 Bình luận