“Đêm tha hương thầm thì bên biển vắng
Sóng bạc đầu ngã bóng ánh trăng khuya
Bờ cát mịn chân đã chùn gối mỏi
Tìm đâu ra những năm tháng dại khờ!?

Hư hao thắm thời gian bao vết sẹo
Nẻo đời chông chênh hun hút bóng ai đi
Cánh chim khuya đang hụt hẩng tìm gì
Tiếng gọi râm ran dần khô, khàn, cạn kiệt.”

Tôi có thói quen thích đến những khu phố người gốc Á Châu như Việt, Nhật, Tàu mỗi khi tôi đến thăm một thành phố! Cứ nhìn những con người thân hình mảnh khảnh, nhỏ con nói chuyện, mặc cả giá hàng, tôi cảm thấy một cái gì rất “thân thương” và “gần gũi” mỗi khi đến những nơi này! Một ý nghĩ muốn tìm về quá khứ lại chợt bừng sống dậy trong tôi! “Quá khứ chẳng là gì cả nếu con người muốn tìm cách lãng quên, nhưng sẽ là những gì rất thân thương nếu chúng ta chịu khó phủi lớp bụi mờ ký ức!” Bản chất “mềm mại”, chịu đựng đã giúp họ vươn lên và thành công ở bất cứ hoàn cảnh và môi trường nào dù cho có khắc nghiệt và cam go bao nhiêu! Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu khu phố gần Aloha Tower, khu phố Nhật, khu phố Tàu và khu phố Waikiki, thuộc thành phố Honolulu, thủ đô của tiểu bang Hawai’i. Lý do chúng tôi chọn Waikiki vì đây là thành phố lớn nhất ờ O’ahu với bãi biển đẹp và lại gần chỗ chúng tôi ở. Tôi thường chạy bộ đến đó mỗi ngày vào lúc trời còn rạng sáng để tìm lại vài giây phút bình yên trong thành phố “lớn”! Có vẻ “ngược ngạo” khi tôi nói câu này! Nhưng thực tế đúng là như vậy: mặc dù Honolulu là thành phố lớn, nhưng không giống như những thành phố lớn khác trong nội địa, buổi sáng sớm ở đây khá yên tĩnh, trầm lặng và ít nét ngượng ngạo, giả tạo nơi con người. Lảng vảng đó đây vài tiệm quán, con đường có vẻ “rất Nhật” của Fukuoka, Kokura và Osaka; và thiên nhiên như núi đồi, bãi biển, rặng dừa xanh của Bình Định và Phan Thiết!

1. Khu phố gần Aloha Tower

Chúng tôi ở ngay gần sát campus của Hawai‘i Pacific University. Chỉ mất khoảng mười phút đi bộ là tôi có thể đến Aloha Tower nằm ngay góc đường giữa Fort và Ala Moana. Người dân ở đây bình dị, thân thiết và cởi mở. Đi đến đâu, tôi cũng được chào với “Brahs hay Braddah- có nghĩa là anh em” với nụ cười mời đón như người thân trong gia đình. Đây cũng là điểm khác với những tiểu bang trong nội địa và có vẻ giống “Việt Nam” khi xưng hô với nhau- người mình thường gọi nhau bằng chú bác, cô, dì, anh, em, cháu, con tùy theo tuổi tác mặc dù chưa quen biết nhau! Sống ở đây, tôi thấy nhẹ nhàng hơn, và dễ hòa nhập hơn. Người bản xứ không nhìn tôi như một “haole/ người ngoại quốc” một phần vì nước da bánh mật dân “nẫu” của tôi, nhưng phần chính là dân da màu khá đông.

Mỗi lần đi ngang qua Tháp Aloha [Hình 1], tôi có cảm tưởng như Aloha đang đứng chờ tôi tự bao giờ! Vẫn hàng dừa tung bay trong gió. Vẫn tiếng sóng vỗ đều với âm điệu nhẹ nhàng làm mát lòng người. “Aloha” dùng để chào “hello” hay chia tay “goodbye”. Từ “Aloha” trong ngôn ngữ của người dân bản xứ Hawaii có nghĩa là yêu thương, hòa bình, lòng thương cảm và khoan dung. Ngày “xa xưa thật xa”, khi mới được xây vào năm 1926 ở cảng Honolulu, Aloha Tower là tháp cao nhất ở Hawaii với 10 tầng cao sừng sửng. Giờ tháp này trở thành nhỏ bé hơn nhiều với những tòa nhà chọc trời “mọc lên như nấm”! Tháp vẫn còn phảng phất một cái gì của sự thách đố, kiên cường qua những diễn tiến của lịch sử và thời gian!

Hình 1: Aloha Tower nhìn từ phía trước (từ đại lộ Ala Moana).

Giữa bầu trời xanh lồng lộng
Tháp Aloha ngạo nghễ đón mời
Khách về đây từ khắp nẻo muôn nơi
Cười nói đùa vui qua những mẫu chuyện đời đổi chác.

Phía sau tháp Aloha là cảng Honolulu và Aloha Marketplace [Hình 2]. “Aloha Marketplace có nhiều hàng quán/Khách về đây mua sắm cũng nhiều/Quán cà phê một người khách buồn thiu/Đau đáu nhìn năm tháng hư hao theo dòng đời trôi nhẹ”. Nơi đây không có người chơi trượt sóng, bơi lội mà chỉ thấy những chiếc thuyền lớn nằm như đang tắm nắng. Tôi thích đi tản bộ một mình dọc theo con nước và ngang qua những bụi rau muống biển với sắc hoa màu tím mịn màng “Bờ cát mịn chân đã chùn gối mỏi/Tìm đâu ra những năm tháng dại khờ?”. Gió nhẹ nhàng vuốt ve khuôn mặt, mái tóc tôi như xoa dịu và làm lắng đọng những bồn chồn, dằn vặt trong ngày.

Tôi ngồi xoài hai chân trên cát để gió biển về vuốt mặt,
Mơn man làn da, chải chuốt những sợi tóc muối tiêu.
Đấu vết thời gian in khằn trên cánh rừng trước mặt
Thăng trầm bao nhiêu vạn năm vẫn còn đó không chuyển lay.

Không gian lặng yên cho tôi một cảm giác hội ngộ sum vầy
Dòng lịch sử đi qua với những nét nhăn còn nhọc nhằn trên sóng nước
Thuyền lớn, thuyền con đang rủ nhau lần lượt
Tắm nắng nồng nàn trong bầu trời lồng lộng nét thanh thanh.

Sóng trắng màu xanh, biển mang về hy vọng
Niềm tin dạt dào ứ căng sức sống hôm nay
Trong đống gạch ngỗn ngang, đổ vỡ nơi này
Lịch sử mang trả lại chúng ta những tháng ngày tươi mới.

Hình 2: Aloha Marketplace nằm ngay phía sau của Aloha Tower, đối diện với Honolulu Harbor.

2. Khu phố Nhật

Thỉnh thoảng chúng tôi cũng ghé lại làng Yatai/food stalls (Yatai Mura) nằm trong khu Shirokiya Japan Village Walk đối diện với Ala Moana Beach (Hình 3). Làng này kiến trúc theo lối “Monzen Machi”- một thành phố nằm giữa chùa chiền và đền thờ nhằm biểu lộ tinh thần hiếu khách “Omotenashi no kokoro” của người Nhật. Lấp lửng với hiện thực, tôi tưởng như mình đang ở Dazaifu Monzenmachi thuộc thành phố Fukuoka vào những năm đầu thập niên 70’s! Một cái gì vừa huyễn hoặc “chông chênh giữa hai bờ hư thực”, vừa thân thương trên mỗi bước chân! Dấu ấn cuộc đời mang tôi trở về khung trời kỷ niệm với “hư hao thắm thời gian bao vết sẹo/ Nẻo đời chông chênh hun hút bóng ai đi!”. Nhớ công viên với chiếc cầu đỏ Ohori; nơi bè bạn gặp nhau hẹn hò vào những ngày cuối tuần, những buổi sáng đẹp trời vào mùa xuân hoa ajisai và cosmos tươi mỡn muôn nơi. Nhìn bóng mình đổ xuống hồ nước lăn tăn trong con gió nhẹ: lúc hiện rõ mồn một, lúc mơ hồ liêu trai…

Chiếc cầu đỏ Ohori chiều nắng vỡ
Nước trong xanh rộn bóng vạn sắc màu
Nhà thủy tạ tạm dừng gót chân nhau
Nhìn trời rộng, chợt thấy lòng bỗng rộng.

Thành phố vẫn nằm lặng yên soi bóng
Những hẹn hò cùng năm tháng trôi xa
Còn lại đây bao kỷ niệm nhạt nhòa
Những khuôn mặt dần xóa vào dĩ vãng.
(1972)

Nhớ da diết khoảng thời gian đầu “quý giá” với vỏn vẹn chỉ có tôi và và hai “sempai” nơi tỉnh lẽ này! Vì người Việt ít, nên chúng tôi dễ gần nhau. Hầu như cuối tuần nào chúng tôi cũng gặp nhau nấu nướng, ăn uống và “tán dóc” với những đề tài đủ thể loại! Vì không biết nấu ăn, nên nhiệm vụ chính của tôi là rửa chén và hâm rượu “sake”.

Hakata những đêm uống rượu say
Khập khiễng bước chân cao chân thấp
Thấy thấm thía tấm thân đời du học
Ước mơ nhiều hiện thực chẳng bao nhiêu!

Những hồn say vẫn cứ mãi đi tìm
Những hào nhoáng với cấp bằng, địa vị.
Đã ra đi lẽ nào ngày trở lại
Tay trắng tay, chúng bạn sẽ chê cười!
(1970)

Fukuoka rất nổi tiếng về các hàng Yatai nằm ngoài trời nhất là vùng Tenjin và Nakasu. Mỗi gian hàng có chỗ đủ cho khoảng 5-7 người ngồi. Khách ngồi gần nhau và cũng rất gần người làm thức ăn nên có nhiều cơ hội nói chuyện qua những đề tài không đầu không đuôi, quen biết nhau qua ly rượu sake trên đường đi làm hay đi đâu về, nhất là những ngày vào tháng 12, khi khí trời bên ngoài bắt đầu se sẻ lạnh. Ở đây người ta bán yakitori, oden, shisamo, Hakata gyoza và nhất là món Hakata ramen. Hakata ramen nhỏ và cứng, với vài lát thịt theo, vài tép tỏi và khách hàng có thể tự mình thêm gừng, tiêu và ớt. Vì cộng mì ramen mỏng, nên phải “húp” tô mì nhanh không thôi các cộng mì sẽ trở thành mềm đi mất! Ngoài Hakata ramen, Hataka gyoza cũng rất đặc biệt; miếng gyoza nhỏ đủ bỏ vào miệng và có nước juice chảy ra làm mát rượi miệng người ăn.

Hình 3. Làng Yataimura nằm đối diện với bãi biển Ala Moana. Khu phố này có sắc thái “Nhật” hơn những khu phố người Nhật trong nội địa tôi đã đi qua. Có một cái gì chân chất, đơn sơ và “hiếu khách”. Đến đây, tôi có một cảm giác gần gũi và “tìm về”!

Có một hôm chúng tôi đi vào khu Yataimura (Hình 3). Không khí ở đây chẳng khác nào Osaka, Tokyo, Fukuoka hay bất cứ một thành phố nào ở Nhật. Có takoyaki, okonomiyaki, udon, bento, ramen đủ loại, unimeshi, Nagasaki champon. Người người trao đổi nhau bằng tiếng Nhật. Tôi cảm thấy một cái gì gần gũi, thân quen. Ở đây cũng có vài món rất địa phương như poke (giống như sashimi), poi (steamed taro roots), spam musubi và ox tail soup (giống như phở đuôi bò).

Chiều lên vạt nắng dài trên lối nhỏ
Hàng cây phượng đỏ vàng, cỏ xanh màu.
Tiếng ai nói cười vui vẻ
Thoáng vọng về cái thuở xa xưa!

Chiều nay con nước về thăm phố nhỏ
Choochin rực màu đậm thắm sum vầy.
Đó đây quán hàng tấp nập
Kẻ bán người mua khu chợ hôm nay .

Ngày lên tiếng trống rền vang góc phố
Tay theo tay đều nhịp vang bổng trầm
Cùng nhau hân hoan lễ hội
Người chào hỏi người đón khách mừng vui!

Hôm nay là ngày thường, mà Waikiki Yokocho cũng đông đúc người! Một phần người Nhật ở đây đông; một phần là do lượng du khách đến từ Nhật đến khá nhiều. Nhạc Enka khắp nơi! Tình cờ tôi nghe một giọng hát với âm điệu quen quen. Chú tâm nghe kỹ hơn, mới biết đây là bài hát “Sanbyaku RokuJuu Go Ho-The 365-Step March” do Kiyoko Suizenji hát. Tôi rất thích tiếng hát của cô ca sĩ có mái tóc ngắn “như đàn ông” này từ khi về học ở Kyushu; một phần vì giọng hát của cô rất đặc biệt, một phần bài ca này là bài hát tập thể dục “radio taisoo” phát thanh buổi sáng khoảng đầu thập niên 70’s. Cô Suizenji xuất thân từ Kumamoto, cách Fukuoka khoảng hai giờ tàu điện. Một ca sĩ khác cũng xuất thân từ Kyushu-Nagasaki mà tôi thích nghe hát với bài “Nagasaki Wa Kyo Mo Ame Datta/Nagasaki Hôm Nay Trời Mưa” là Kiyoshi Maekawa. Nagasaki tuyệt đẹp trong chiều mưa! Giọt mưa không nặng hạt; nhưng đủ làm ướt áo, để tóc mây ai nhỏ giọt thắm nụ cười! Qua màn mưa nghiêng nhiêng mỏng, người ta có thể nhìn thấy những đồi dốc và bến cảng với những con tàu vội đến, ở tạm đôi ngày rồi vội vã ra đi. Tôi có làm một bài thơ khi ngồi trong quán cà phê ở Nagasaki khi nghe bài hát này của Maekawa vào một buổi chiều nhìn mưa về. Nhìn những con chim hải âu trắng muốt lao đầu xuống nước tìm mồi rồi lại nhao lên cao, tung cánh bay xa để lại “Tiếng hót râm ran dần khô, khàn, cạn kiệt”; tôi mơ ước một ngày nào đó mình cũng như cánh chim bay về một vùng trời thật xa, nơi tương lai có thể nắm gọn trong vòng tay.

Gió thổi từng cơn đong đưa hàng cây
Mưa rơi nặng hạt. Vũng nước đọng đầy
Oura Tenshudo nét uy nghiêm còn đó
Tiếng chuông ngân dài rộn cả trời mây.

Về lại đây. Nagasaki hôm nay
Vai sát vai đậm thắm đỏ môi gầy
Con đường nhỏ đôi chân chầm chậm bước
Mơ ước một ngày mình trôi giạt bến xa…

“Nagasaki Wa Kyo Mo Ame Datta”
Giọng hát Maekawa gợi lại những ngày
Trong quán vắng sa-kê, nồng nặc khói
Yakitori, oden, bờ má đỏ hây hây…

Về lại đây. Nagasaki hôm nay
Góc phố buồn hiu, rung rinh cánh lá gầy
Xanh hy vọng, ứ căng tràn nhựa sống
Ướp nhạc thơ trong mưa thắm bên người.

Nagasaki hôm nay. Ngày rộn rả tiếng cười
Hồn trải rộng vùng chân trời mở rộng
Tay trong tay tròn nhịp đời ta sống
Thắm đậm hương tình. Tràn ngập nỗi vui.
(1971)

3. Khu phố Tàu

3.1 Vài nét về khu phố

Chỗ chúng tôi ở nằm trên đường South Nukui, cách Khu phố Tàu khoảng chừng mười phút đi bộ. Một số tiệm quán Việt Nam nằm ngay trong khu phố này. Chúng tôi thường đến mua thức ăn và rau cải ở khu chợ ngoài trời hay ăn “dim sum” ở đó. China Town ở đây tuy nhỏ nhưng sạch sẽ và ngăn nắp. Hàng quán tấp nập hai bên đường (Hình 4). Người đàn bà bán rau cải vồn vã với khách hàng trên vỉa hè, trong khi cháu bé gái khoảng 5-6 tuổi chạy quanh; thỉnh thoảng đứng lại quan sát cảnh tượng mua bán của thế giới người lớn. Tôi tìm thấy ở nơi cháu bé này một nét hồn nhiên, chân chất của tuổi ấu thơ mà đôi khi ít tìm thấy được ở những nơi phồn hoa đô hội.

Thấy em vui, tôi cũng cảm thấy vui
Nhìn em cười, tôi cũng mở miệng cười
Tuổi trẻ mát tươi như cành hoa nở
Bát ngát đất trời. Lan tỏa sắc hương.

Hôm nay là thứ bảy. Tiếng nhạc, lời rao hàng và tiếng cười nói tạo thành một thứ âm thanh “quen quen” của những China Town ở Los Angeles hay Montery Park nơi chúng tôi đã đi qua lại nhiều lần trong những năm tháng sống ở miền Nam Cali. (Hình 5). Tôi cảm thấy nồng nàn của “sự tìm về” cội nguồn mà đôi khi tôi đã vô tình đánh mất hay lãng quên trong công việc mưu sinh tìm sống mỗi ngày.

Hình 4. Chúng tôi thường đi ngang qua con đường Pauahi này khi đến khu phố Tàu. Có nhiều tiệm quán nằm rải rác hai bên đường. Ở đây không nhiều người bộ hành và xe cộ không tấp nập như China Town ở Los Angeles.
Hình 5. Mọi người đang bận rộn mua sắm trước quầy hàng hải sản nằm trên đường Maunakea. Khung cảnh rất thân quen với nhiều ngôn ngữ và nhiều khuôn mặt đủ mọi lứa tuổi. Hôm ấy nhà tôi muốn mua vài món cá về làm món ăn tối (vì ăn ngoài hoài cũng chán!).

3.2  Bác sĩ Tôn Trung Sơn

Thấy bức tượng bằng đồng của bác sĩ Tôn Trung Sơn (Sun Yat-sen, hay Tôn Văn), hơi tò mò nên tôi hỏi một ông cụ gốc Á Châu đứng bên cạnh và được biết bác sĩ Tôn Trung Sơn đã sống nhiều năm ở đây lúc còn nhỏ và có học ở ‘Iolani và Punahou Schools tại Honolulu. Cũng được biết, ông thành lập Hưng Trung Hội ở Hawai’i. Sau này Hội này đổi tên thành Đồng Minh Hội và là tiền thân của Quốc Dân Đảng (Hình 6a).

Bác sĩ Tôn Trung Sơn (1866-1925) là Tổng thống đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc. Ông lập gia đình với bà Tống Khánh Linh (1893-1981), một trong ba chị em nhà họ Tống- môt gia đình nổi tiếng trong xã hội Trung Hoa vào đầu thế kỷ thứ hai mươi (Hình 6b). Cả ba chị em bà đều có học ở Wesleyan College, một trường nữ nổi tiếng thuộc tiểu bang Georgia, Mỹ. Bác sĩ Tôn Trung Sơn mất vào năm 1925 ở vào cái tuổi 59; lúc đó bà Tống Khánh Linh mới 30 tuổi. Bà quyết định ở độc thân cho đến cuối đời. Bà Tống Mỹ Linh (1898-2003), trẻ nhất trong ba chị em, đã kết hôn với Tổng thống Tưởng Giới Thạch. Bà qua đời tại New York, Mỹ vào ngày 23 tháng 10 năm 2003, hưởng thọ 106 tuổi. Bà chị cả Tống Ái Linh (1890-1973) kết hôn với ông Khổng Tường Hi, bộ trưởng tài chánh trong chính quyền Tôn Trung Sơn và cũng là một trong những người giàu có nhất Trung Quốc thời bấy giờ [1]. Bà Tống Khánh Linh tham gia tích cực vào hoạt động kháng chiến chống Nhật và cũng là người đứng trung gian giải hòa giữa Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng Sản Trung Hoa trong cuộc nội chiến. Sau khi Trung Hoa Quốc Dân Đảng bị đánh bại bởi lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng Cộng Sản Trung Hoa vào năm 1949, bà là người độc nhất trong gia đình chọn ở lại đại lục và cộng tác với Đảng Cộng Sản Trung Hoa. Bà Tống Mỹ Linh cùng chồng là Tổng thống Tưởng Giới Thạch chạy sang Đài Bắc (thuộc Đài Loan); còn vợ chồng bà Tống Ái Linh chạy sang Hồng Kông, bỏ lại sau lưng những xung đột chính trị trong quá khứ và chú tâm vào các hoạt động tài chính và kinh doanh. Trở lại trường hợp của bà Tống Khánh Linh, sau này bà trở thành đồng chủ tích Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa (Đảng Cộng Sản Trung Hoa) từ 1968 đến năm 1972. Bà được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Trung Hoa và được ban danh hiệu chủ tịch danh dự năm 1981, không lâu trước khi bà mất. Tình cảm chị em giữa bà Mỹ Linh và Khánh Linh bị rạn nứt đến nỗi bà Mỹ Linh không về dự đám tang của bà Khánh Linh vào năm 1981, có lẽ một phần chính là do lập trường chính trị khác nhau giữa hai bà do bối cảnh chính trị đã trớ trêu gây ra?!

Hình 6. (a): Bức tượng đồng của bác sĩ Tôn Trung Sơn ở O’ahu và (b): ảnh cưới của bà Tống Khánh Linh và bác sĩ Tôn Trung Sơn vào năm 1915 (Google Images).

4. Thành phố Waikiki

Vì chỗ chúng tôi ở nằm giữa Nu’uanu và Ala Moana, chúng tôi có thể đi bộ đến Waikiki ngang qua ‘Iolanic Palace , nơi vua Kalaakaua và hoàng hậu Lili’uokalani ở lúc trước. Trong khu vườn của biệt thự này, có một loại cây banyan rất đặc biệt với hàng chục cái rễ với đủ dạng hình thù buông thỏng xuống và ôm quyện vào nhau. Ở ngay cổng vào có dấu ấn với hàng chữ “Ua mau ke ea o ka’aaina I ka pono” ( The life of the land is perpetuated in righteousness) ghi lại một vài nét lịch sử “vang bóng một thời” của người dân bản xứ Hawai’i. Đại lộ Ala Moana dẫn chúng tôi đến Kalakaua, con đường chính của thành phố Waikiki. Thành phố nằm ở South Shore của đảo O’ahu với những shopping mall lớn nhất ở Honolulu, Waikiki Beach nổi tiếng thế giới qua phim ảnh của Hollywood và rất nhiều tài liệu quảng cáo. Từ bãi biển này, nếu cứ tiếp tục trên đường Kalakaua, du khách có thể đến núi Diamond Head đứng sừng sửng trước mắt. Waikiki Beach xuyên qua thành phố tương đối ngắn vì một đoạn dành riêng cho những người chơi cưỡi sóng , và phần chính dọc theo con đường dẫn đến chân núi. Nước ở đây cạn và có nhiều đá. Nên đối với những người không bơi xa như tôi, Ala Moana Beach (cũng nằm gần Waikiki Beach) thích hợp hơn! Thành phố Waikiki có ba con đường chính : Kalakaua Avenue dọc theo Waikiki Beach trải dài từ hướng nam đến hướng bắc, Kuhio Avenue và Ala Wai Boulevard dọc theo con kênh Ala Wai. Ở đây người bản xứ thường dùng “mauka”, “makai”, “ewa”, và “diamond/koko head” để nói về phương hướng. Vì Waikiki tọa lạc ở bờ biển phía nam của đảo O’ahu, “mauka” có nghĩa là về hướng núi (hương bắc); “makai” chỉ về hướng biển (hướng nam) ; trong khi đó “Ewa” là hướng về Ewa Beach, hay nói đại khái hơn là về hướng tây và Diamond/Koko chỉ về hướng núi Diamond Head –hướng đông. Đại lộ Kalakaua lúc nào cũng đông người, nhất là buổi tối với ánh dèn màu rực rỡ và người đi như ngày hội. Một đọan đướng khá dài của Kalakaua chạy dọc theo bãi biển với hàng cây palm đong đưa trong gió.

Tôi thường chạy/đi bộ về thành phố Waikiki vào những ngày cuối tuần. Buổi sáng ở đây khá yên lặng, ít có tiếng xe chạy ồn ào như ở những thành phố nổi tiếng khác. Đôi lúc cảm thấy mệt, tôi đi thư thả trên những con đường lót gạch, qua vài tiệm quán vẫn còn đóng cửa. Tôi vẫy tay chào người phu quét đường. Chúng tôi trao nhau nụ cười tuy ngắn gọn nhưng đậm thắm sự đôn hậu và cảm thông.

Chao nghiêng tiếng gió cồn cào
Ngày theo vạt nắng trời xao xác buồn
Trên đường bao nỗi vấn vương
Người phu quét dọn phố phường sáng nay.

Dãi dầu như ngọn cỏ may
Ba chìm bảy nổi đổi thay sự đời
Cho hay thân phận làm người
Mỏng manh sương khói. Lòng vui mỉm cười!

Tôi ghé lại quán Starbucks nằm trên đại lộ Kalakaua, mua môt ly “Americano coffee” loại trung, ngồi nhấm nháp và nhìn khách bộ hành lại qua. Nhìn để quan sát, để tìm về một cái gì “rất xa xưa” mà chính tôi cũng không biết rõ nữa…”Năm tháng cứ trôi qua/Chân cứ bước đi theo dòng đời trôi nhẹ/Mưa nắng gió bao năm/ Thế sự có đổi thay, thiên nhiên vẫn độ lượng vô vàn/ Không gian rộng thênh thang/Tàu lá dừa xanh phất phơ trong điệu gió/ Tôi ngụp lặn trong lòng thiên nhiên hôm nay/ Để biển mang sóng trắng về vuốt ve/ Mát lịm tâm hồn”. Nhìn con sóng bạc đầu đang cố trườn lên rồi chùng xuống ngọn đồi thoai thoải phía xa. Con sóng sau cõng lên con sóng trước. Cứ tiếp tục theo dòng. Không chịu bỏ cuộc chơi!

Ngồi trong quán Starbucks nhìn về hướng Diamond Head đứng sừng sững trước mắt
Nhắp từng ngụm cà phê để thấm thía những thăng trầm rối răm trong đời đã gặp
Đôi mắt lim dim theo dần hơi thở; chợt nghe tiếng cười đùa bên tai nhí nhảnh của các cô cậu học trò
Tôi cảm nhận một điều gì rất gần gũi, rất thân quen!

Khúc nhạc thời 70’s đưa tôi trở về
Những năm tháng chông chênh, những ước mơ của quãng đời du học
Vạt nắng đong đưa, lạc loài một góc
Tôi dáo dác nhìn quanh như muốn tìm lại những kỷ niệm qua …

Một điều tôi nhận thấy là O’ahu có nhiều nét “rất Việt Nam” và cũng “rất Nhật”. “Rất Việt Nam” về khung cảnh thiên nhiên với núi đồi, và những hàng dừa xanh dọc theo bãi biển; núi và biển cách nhau không xa và hình như quyện vào nhau trong những bức tranh mộc mạc, thân thương. “Rất Nhật” về số du khách người Nhật và các tiệm quán bán buôn; ngay cả có vài Waikiki Trolley quảng cáo hoàn toàn bằng tiếng Nhật [Hình 7a]. Mùa này cũng là mùa cưới với giới trẻ Nhật đến đây hàng loạt để hưởng tuần trăng mật. Từ Waikiki Beach đến bãi biển Ala Moana Beach; đi đâu tôi cũng thấy những cô cậu trẻ trịnh trọng trong bộ áo cưới ra bãi biển chụp hình. Người thợ chụp hình bắt họ thay đổi cách đứng, dáng đi “đủ cách, đủ kiểu”. Đôi khi tôi nghe cô dâu than mệt dưới ánh nắng gay gắt của tháng 11 ở đây. Mồ hôi chảy nhễ nhại trên lớp phấn trắng dày cộm trên mặt khiến cô ta tỏ vẻ không mấy thoải mái!

Tôi nhìn trên sóng biển điểm vết sẹo thời gian trở về hôm nay
Ngàn giọt nắng thênh thang trên bờ cát mịn hằn khắc với vỏ sò ốc, chứng tích bao ngày
Bầy trẻ nhỏ đùa chơi, ướp mộng đời trong tiếng cười vui nhộn,
Giòn tan theo từng lời nói, hăng hắt từng âm điệu ngân vang.

Tôi đi theo gót cũ ngàn năm chồng chất lên nhau mang số kiếp dã tràng
Điệu nhạc Ukulele du dương hòa nhịp với tiếng chim chiều xa bay về hướng mặt trời
Đỏ rực rỡ như niềm tin, lẽ sống bồng bềnh theo dòng năm tháng nổi trôi
Kiếp đời- kiếp người chiều nay tôi lang thang dọc theo con nước
Nhìn ngày vơi…

Buổi sáng ở Waikiki yên lặng bao nhiêu, thì buổi tôi lại ồn ào bấy nhiêu! Người đông như ngày hội trên đại lộ Kalakaua, Kuhio hay đại lộ Ala Wai; có vài nét giống như khu phố Shinjuku ở Tokyo vào cuối tuần hay đại lộ Michigan ở Chicago vào mùa Giáng Sinh. Điểm khác nhau là ở đây, người ta nói rất nhiều ngôn ngữ khác nhau – không khí có vẻ “quốc tế” lắm!

Một điểm khác nữa là ở một thành phố du lịch nổi tiếng như Waikiki, theo lối nghĩ thông thường thì thức ăn phải đắt đỏ; điều này có thể đúng với những tiệm thuộc loại sang, chớ đối với một số tiệm trung bình thì tôi thấy giá cả không khác nhau bao nhiêu và đôi khi còn rẻ hơn là khác. Chẳng hạn như tiệm ăn buffet tên là Todai (Lighthouse); đây là tiệm mà chúng tôi “rất ghiền”; vì thế thường tìm đến mỗi khi đến một thành phố mới. Tiệm Todai nằm trên đại lộ Ala Moana [Hình 7b] với thức ăn tương đối ngon, phong phú mà giá lại rẻ; dĩ nhiên là không thể so sánh được với Todai ở Chicago (giờ đóng cửa)!. Có lẽ một phần là do khách du lịch đông và họ thường đến ăn theo từng đoàn nên giá hạ đi cũng không chừng! Chúng tôi vào tiệm lúc 11:30 sáng; lúc đó khách tương đối ít; nhưng đến 12:00 trưa thì bỗng nhiên từng đoàn người vào tập nập; tiệm trở nên đông nghẹt: người người ăn uống, nói chuyện ồn ào như “cái chợ”! “Rồi đùng một cái” vào lúc một giờ chiều họ biến mất không kèn không trống!

Hình 7. (a): Waikiki Trolley với tên các trạm bằng tiếng Nhật. (b): Thức ăn ở đây không ngon như tiệm Todai ở Schaumburg, ngoại ô Chicago (giờ đóng cửa). Chúng tôi thích tiệm Todai này đền nỗi gia đình chúng tôi lái xe (6 tiếng một vòng từ Twin Cities) đến đó hầu như mỗi tháng. Có lẽ vừa ngon vừa giá phải chăng nên không đủ sở hụi cũng không chừng!

Ở đây chúng tôi cũng tìm thấy dăm ba tiệm phở như Pho One, Pho Saigon nằm trên đại lộ Paoakalani [Hình 8]. Cách đó không xa, cũng có vài tiệm sushi với các dĩa thức ăn để trên conveyor và khách tư lựa chọn món mình thích; mỗi dĩa tương đối rẻ với giá khoảng $1.50 như tiệm SushiSan, nằm ở góc giữa đại lộ Kapiolani và trường Pikoi. Thức ăn tương đối cũng vừa miệng và vừa túi tiền.

Hình 8: Tiệm “Pho One” và “Pho Sai Gon” trên đường Kuhio.

Phở ngon. “Pho One”.
Phở thơm. “Pho Saigon”.
Đi xa một góc đường mà vẫn còn ngửi thấy
Mùi thơm của sả, thịt nướng, tỏi hành.

Tôi tiếp tục bước chân đi
Lúc chậm, lúc nhanh
Những vạt nắng
Cứ đuổi theo chân tôi rảo bước.

Bóng ngã dài
Trước mắt tôi lần lượt
Những tiệm SushiSan, Genki Sushi
Kuru Kuru

Tiếng nói, tiếng cười
Todai Buffet
Rộn rã xanh màu tươi
Đượm thắm với màu xanh biển nước
Bầu trời trong xanh
Ôm ấp màu cây xanh rất mượt.

Từ góc đường Hilton Village
Khách ra vào lần lượt
Lúc tấp nấp
Lúc thớt thưa, ít người lui tới.

Một ngày mới
Hoa bàng trắng vạt nắng trườn lên triền đồi rất khẽ
Gió biển ngượng ngùng thổi nhẹ
Mát rượi thịt da, thấm dịu lòng người…

5. Kết từ

Trong thời gian hai tháng ở O’ahu, chúng tôi đã lái xe qua nhiều thành phố; đi bộ trên nhiều con đường và có cơ hội tiếp xúc với người dân bản xứ. Nói chung, thành phố ở đây vẫn còn giữ được nhiều nét “sơ khai” và “đơn sơ” của thiên nhiên. Đường phố ít ồn ào hơn; bãi biển yên tĩnh hơn; cuộc sống trầm lặng và con người hình như ít đua tranh và “giành giựt” nhau hơn. Có lẽ vì O’ahu là thành phố đảo, nên thiên nhiên, con người được “bao bọc, gói ghém” và hòa quyện với nhau trong nhịp sống thoải mái, “nhiều tình người” hơn. Nét “wabi-sabi” hiện hữu khắp nơi: Không kết thúc. Không bắt đầu. Và không có gì gọi là hoàn hảo!

Tôi cảm thấy mình gần gũi với O’ahu hơn ở nhiều thành phố tôi đã đi qua ở nội địa! Có một cái gì thân quen, và ‘tìm về” vùng trời quá khứ! Đẹp. Nhẹ nhàng. Âu yếm. Nên thơ.

Về đây buổi sáng mù sương
Hàng cây đứng lặng phố phường ngủ yên
Lá rơi vài cánh bên thềm
Sương mai ướt đẫm, màn đêm hững hờ.

Về đây nghèn nghẹn tiếng thơ
Một thời tuổi mộng như vừa chợt qua
Đâu đây vọng lại tiếng ca
Bạn bè năm cũ dần xa muôn trùng.

Trần Trí Năng
March 2021

Tài liệu tham khảo:
[1]https://vi.wikipedia.org/wiki/Ba_ch%E1%BB%8B_em_h%E1%BB%8D_T%E1%BB%91ng

Bài Cùng Tác Giả:

0 Bình luận

Bình Luận