(Về đây để thăm viếng…Để tìm về…Để cảm nhận thấm thía sự mong manh của kiếp người!)

Năm 2013, chúng tôi có đến thăm Pearl Harbor (Trân Châu Cảng) nhân dịp kỷ niệm  ngày Hải Quân Đế Quốc Nhật Bản (Imperial Japanese Navy) tấn công Mỹ – buổi sáng chủ nhật, 7 tháng 12 năm 1941. Trung tâm chính của khu vực này là USS Arizona Memorial được xây vào năm 1962 ngay ở nơi mà thiết giáp hạm USS Arizona (BB-39) bị đánh chìm và là nơi an nghỉ của hơn 1,102 lính Mỹ. Tòa nhà này dài 184 foot (56 m), có lối kiến trúc với hai đỉnh cao nối liền với nhau bởi một khoảng thủng ngay ở chính giữa [Hình 1]. Theo ông Alfred Preis, kiến trúc sư xây tòa nhà, hai đỉnh cao tượng trưng cho niềm kiêu hãnh của nước Mỹ trước chiến tranh và sự bình phục trở lại sau chiến tranh; đoạn thủng ở giữa tượng trưng cho tình trạng trầm cảm bất ngờ xảy ra tại nước này sau cuộc tấn công bất ngờ ở Pearl Harbor [1].

Gió biển hơi lành lạnh, vấn vít chung quanh ngôi nhà cho chúng tôi một cảm giác nhẹ nhàng thoải mái. Đoàn người tiếp tục đi ngang qua những vòng hoa mặc niệm [Hình 2, bên trái] và dừng lại trước đài tưởng niệm với danh sách những người quá cố. Lá cờ Mỹ treo nửa chừng tung bay trong gió lúc nhẹ nhàng, lúc mãnh liệt như tâm sự hỗn mang của những người đến đây hôm nay. Không khí ở đây khá trầm mặc. Không nghe thấy tiếng cười nói. Hình như mọi người cùng nhau đón mời, đưa tiễn những linh hồn mới đến và ra đi. Trong niềm khắc khoải nghẹn ngào của một thảm kịch con người!  

“Khi sự kiện Pearl Harbor xảy ra/ Những người đến đây hôm nay hầu như chưa có mặt/ Trên mảnh đất thân yêu được gọi là nhà/ Thời gian trôi qua biết bao chuyện xảy ra/ Người vẫn sống, vẫn vui, vẫn những tháng ngày vội vả/ Bươn chải tất bật đi làm trong cuộc sống mưu sinh/ Biển vẫn xanh, bờ biển đẹp bao tình/ Rặng núi phía xa vẫn tắm mình trong nắng ấm.


Hình 1: USS Arizona Memorial ở Trân Châu Cảng [2]

Như con sóng thần Tsunami đến cuốn trôi đi tất cả! Sau những đau khổ, tang thương, con người xây dựng lại cuộc đời và thành phố. Rồi…không biết bao lâu!? Một Tsunami khác trở lại…Tàn phá rồi dựng xây rồi tàn phá…một chu kỳ cứ tiếp diễn! Không ngừng…

Tôi đọc lướt qua danh sách những người đã hy sinh
Nằm thẳng hàng bên nhau với đủ tên đủ họ
Chằng chịt quấn quyện nhau những chữ đen nho nhỏ
Gợi lại ký ức năm xưa với bè bạn gia đình.

Những khuôn mặt loáng thoáng trôi qua trong làn gió lung linh
Âu yếm, mỉm cười đón mọi người về thăm viếng.
Vạt nắng chói râm ran trên sóng biển
Bồng bềnh trôi như đùa giỡn- những linh hồn
.
(2013)

Cuộc tấn công này đã gây thiệt hại rất lớn cho Hải Quân Mỹ: đánh chìm bốn thiết giáp hạm, làm thiệt hại bốn tàu chiến khác, và hàng ngàn người hoặc bị tử vong hoặc bị thương. Trong số bốn tàu chiến , hai tàu được vớt lên, tu sửa và hoat động trở lại, còn tàu USS Arizona và USS Utah vẫn còn nằm ngủ yên dưới lòng biển cả.

image004 image005
Hinh 2: Vòng hoa tưởng niệm những người đã mất (hình bên trái); và ngọn tháp pháo tàu chiến Arizona vươn lên trên mặt nước; chiếc tàu còn nằm dưới đáy Trân Châu Cảng. Vết dầu “Tears of Arizona / giọt nước mắt khóc thương tàu chiến Arizona “ vẫn tiếp tục chảy (hinh bên phải, Google Image).  

The USS Arizona Memorial
Nơi an nghỉ cuối cùng của hơn 1,000 hải quân Mỹ
Ở tuổi hai mươi căng đầy sức sống
Tuổi của yêu thương, lý tưởng, hẹn hò…

Ngọn cờ tung bay xanh trắng đỏ phất phơ
Trong gió mạnh cất tiếng kêu phành phạch
Tòa nhà trắng nét trinh nguyên dưới nắng
Hưng thịnh tàn suy cùng đất nước quê hương.

Hàng dừa xanh rợp bóng mát con đường
Vài cô cậu nắm tay nhau rảo bước
Thế hệ hôm nay so với vài thế hệ trước
Lý tưởng sống khác nhau liệu suy nghĩ có như nhau?!
(2013)

Đã nhiều năm rồi mà từ trên ban công của Tòa Nhà Memorial, tôi còn có thể thấy vết dầu vẫn còn rỉ ra từ chiến hạm [Hình 2, bên phải]. Vết dầu này được gọi là “nước mắt của Arizona/the tears of the Arizona” hay “nước mắt màu đen/black tears” để ghi lại sự đau thương, tang tóc do cuộc chiến gây ra. 

Giọt nước mắt màu đen
Chảy ra từ lòng biển
Tang tóc hằn sâu vết đau hiển hiện
Khóc cho đau thương thảm kịch của con người!

Năm tháng trôi qua bao thay đổi trong đời
Biển vẫn khóc, vẫn quặn đau cùng quá khứ
Vết nhức còn sâu, chứng nhân lịch sử
Mở rộng vòng tay chào đón những nụ cười. 

Biển vẫn xanh, vẫn vồn vã gọi mời
Trong tình tự thân thương những con người thăm viếng
Nắng vỡ thênh thang
muôn ngàn sắc hiện 
Tàu dừa xanh ngã bóng rộn ước mơ.
(2013)

Ánh mặt trời còn sót lại trong ngày phảng phất trên mặt biển, rọi sáng biên giới phân chia giữa sự hoang tàn, đổ nát và sự vươn lên hùng mạnh giữa hai con tàu [Hình 3, bên trái]. Và ngay trong sự hoang tàn, người ta vẫn có thể tìm được một màu xanh của vài loại cây đang còm cõi tìm sống [Hình 3, bên phải]. Dòng sinh diệt mặc khải trong sự vô thường!

image006 image007
Hình 3 : Ánh mặt trời chiếu rọi trên mặt biển làm biên giới giữa sự phá hoại và sự gầy dựng (hình bên trái). Vài mảng màu xanh dìu dịu của nhánh cây trên chiếc tàu bị đánh đắm (hình bên phải).  

Phảng phất đâu đây muôn ngàn khuôn mặt vất vưởng đến từ những hoàn cảnh kinh tế và những địa vị xã hội khác nhau lúc bấy giờ: có người vui vẻ nói cười; có người trầm lặng suy tư; có người từ gia đình giàu có cao sang; cũng có người hẩm hiu với số phận nghèo- thậm chí nghèo cả ước mơ! Tranh đấu, bon chen rồi cuối cùng cũng như những dòng sông hội nhập về biển rộng. Tất cả đều giống nhau…Chủng tộc, sắc màu chẳng qua chỉ là những lớp son hào nhoáng bên ngoài để cho con người “cách ngăn” và “lợi dụng”!  

Trong lòng những vết tích hoang tàn và đổ nát
Vài cây xanh đang trổ nụ, đơm bông
Sinh tử, tử sinh lẫn quẫn trong vòng
Sinh diệt, vô thường. Xác thân hữu hạn.

Trong bóng tối đã có vài tia sáng
Trong nỗi đau ngút ngàn mất mát ngàn sinh linh
Thiên nhiên đã tạo nơi đây một sức sống vô hình
Ngấm ngầm chảy theo dòng sóng trôi cuồn cuộn.
(2013)

Rời USS Arizona Memorial, chúng tôi đi dọc theo con đường dẫn đến chiếc cầu trước mặt. Đứng đó một hồi lâu theo đuổi theo làn sóng xoáy lăn tăn, rồi nhìn những con tàu quân sự đang cập bến. Một cảm giác lâng lâng như đang xoắn sâu vào đầu tôi… Ngày mai những con tàu này sẽ đi về đâu và góp phần gì trong việc xây đựng hay tàn phá theo những lý lẽ thông thường “ai đúng, ai sai” hay “lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng”?! Lịch sử loài người đầy rẫy với chiến tranh! Dù dưới một hình thức hay chiêu bài nào, mục đích sau cùng của chiến tranh là để bảo vệ quyền lực và sự phồn vinh của một số người “ăn trên ngồi trốc”!?

image009
Hình 4: Hoàng hôn về trên Pearl Harbor.

Ngồi trên băng ghế đá màu trắng
Nhìn USS Arizona Memorial hiển hiện lên trên sóng nước
Màu trắng sáng tươi ngập nắng giữa trời
Gió nhẹ vi vu vuốt mát mặt tôi
Con sóng trắng thì thầm nhỏ to lời tình tự.

Người đến, người đi, từng nhóm người tâm sự
Mẫu chuyện hôm qua, hiện tại, tương lai
Gặp gỡ thân quen trong cuộc hành trình dài
Ai cũng muốn sống trong bình an, hạnh phúc!
(2013)

Ánh mặt trời đỏ ối cả một góc trời, phản chiếu những vũng ánh sáng nồng nàn trên mặt biển. “Mặt trời chiều phất phơ vài đốm sáng/ Mang lại yêu thương, nồng ấm của một ngày/ Biển lặng yên, em bé má hây hây/ Cười toe toét, bình sửa tươi bên mẹ.” 

Sau một hồi đi dọc theo con nước, tôi ngồi bệt xuống bãi cát nhìn mặt trời lặn. Không gian êm đềm. Thời gian như chầm chậm trôi…Thiên nhiên thật vi diệu, tuyệt vời! Ngụp lặn trong lòng thiên nhiên, tôi cảm thấy thật nhẹ nhàng, thảnh thơi!

Tôi nhặt một nhánh cây
Viết vài câu thơ trên triền cát trắng
Con sóng nhỏ vỗ vào bờ từ từ êm lặng
Ôm những câu thơ nhè nhẹ cuốn theo ra
Những con chữ bồng bềnh theo gió cuốn xa
Như trao gửi, hỏi thăm những linh hồn lạc lõng…
(2013)

Trên thảm cỏ xanh, loe hoe vài du khách đứng cười khanh khách với những mẫu chuyện không đầu không đuôi với đề tài đủ thể loại. Từ xa lạ, họ trở thành thân quen. Từ muộn phiền, họ trải lòng cởi mở. Niềm tin hy vọng tràn đầy trên khuôn mặt, lan tỏa trong khóe mắt mọi người…

Giọt nắng chiều vắt vẻo trên cành cây nằm chơi vơi giữa lòng trời trong sáng. Nhiều thế hệ đã trôi qua sau biến cố Pearl Harbor! Du khách về đây để tìm lại những cũ kỹ ký ức đã qua và hy vọng vết thương lịch sử này sẽ không xảy ra nữa. Tình nhân loại, tình người, niềm tin, sự thông cảm sẽ là những hành trang đưa con người gần nhau và thông cảm nhau hơn! Niềm hy vọng dâng cao, lan tỏa và hài hòa cùng vạt nắng cuối ngày.

Chiều sắp tàn. Một ngày sắp qua. Một ngày kỷ niệm lịch sử rồi cũng chóng qua. Ngày mai bình minh sẽ về. Tia nắng sẽ tiếp tục bồng bềnh trên sóng nước, mang lại sự ấm áp nồng nàn cho con người… Và mọi  người sẽ bắt đầu lại một ngày mới!

Ngày xanh ngày tới
Trời xanh màu mới
Mây hồng trắng tươi
Nhơ nhởn khung trời

Người xa người tới
Chào nhau ngày mới
Mạch sống dâng cao
Thấm đượm tình người

Ngày vui ngày mới
Lòng vui phơi phới
Hội ngộ về đây
Tận hưởng phút giây này

Cây xanh cỏ xanh hôm nay
Vồn vã hân hoan đón người người tới
Vạt nắng xanh xanh
Lan tỏa rộn hương đời…
(2013)

Vài cảm nghĩ rời

Nhiều  năm trước đây, đứa con trai tôi rủ tôi đi xem phim “Pearl Harbor”,  một phim tình cảm giả tưởng do Jerry Bruckheimer và Michael Bay làm đạo diễn [3]. Một phần hơi tò mò vì đề tài của cuốn phim; một phần là một tài tử chính trong phim- Josh Hartnett – xuất thân từ Twin Cities- Minnesota!  Câu chuyện có tính cách giả tưởng dựa một phần vào sự kiện lịch sử của trận Trân Châu Cảng (Pearl Harbor). Đại khái câu chuyện xảy ra như thế này: Rafe McCawley (Ben Affleck) và Danny Walker (Josh Hartnett) là hai người bạn thân cùng lớn lên với nhau trong một thành phố nhỏ thuộc tiểu bang Tennessee. Họ rất đam mê về phi cơ và muốn trở thành phi công khi lớn lên. Khi Thế Giới Đại Chiến Thứ Hai bùng nổ, cả hai cùng ghi tên xin đi phi công để thực hiện giấc mơ thuở bé của mình. Rafe yêu cô Evelyn Johnson (Kate Beckinsale), một nữ y tá mà Rafe tình cờ gặp trong lúc làm giấy tờ  khám nghiệm sức khỏe để đăng lính ở New York. Hai người yêu nhau tha thiết!  Rafe tình nguyện gia nhập “The Eagle Squadrons” của Không Lực Hoàng Gia (the Royal Air Force) và được gửi đi chiến trường Âu Châu để tham gia chiến dịch chống Đức của chính phủ Mỹ và Anh. Trong chiến trường “Battle of Britain”,  phi cơ của Rafe chẳng may bị bắn rơi trên Eo Biển Anh (the English Channel); và sau đó được tin cho biết là Rafe đã bị thiệt mạng. Được tin này Evelyn rất buồn rầu và thất vọng! Danny cố gắng an ủi Evelyn trước sự mất mát này; rồi từ tình bạn đổi sang tính yêu sau nhiều lần gần gũi thân tình với nhau. Cho đến một hôm (ngày 6 tháng 12 năm 1941), nghe có tiếng người gõ cửa căn nhà ở Hawaii, Evelyn ra mở cửa và rất ngạc nhiên khi biết người gõ cửa là Rafe. Một cảm giác nửa mơ nửa thật! Phải mất cô ta một hồi lâu mới trở lại trạng thái bình thường! Vâng, chính là Rafe! Cậu ta vẫn còn sống! Mọi người đều rất vui mừng! Nhưng rồi niềm vui trôi qua nhanh… Chuyện gì sẽ đến rồi cũng đến: khi biết được sự liên hệ giữa Danny và Evelyn, Rafe rất giận dữ và đi tìm gặp Danny ở một quán rượu. Lúc đó, hai người đều uống say mèm và sau một cuộc cãi vã sôi nổi, họ bắt đầu đánh đấm nhau túi bụi. Sau đó, vì có người kêu cảnh sát quân sự MP, nên cả hai đều chạy trốn khòi quán rượu để tránh khỏi bị bắt. Cuối cùng hai người cùng thiếp đi trong chiếc xe của Danny lúc nào không biết! Rồi cuộc tấn công Pearl Harbor bất ngờ xảy ra buổi sáng ngày 7 tháng 12 với sự thiệt hại lớn lao cho lực lượng hải quân Mỹ do phi công của quân đội Nhật gây ra. Hầu hết phi cơ của quân đội Mỹ đều bị phá hoại; Rafe và Danny cuối cùng cũng có thể cất cánh hai chiếc máy bay chiến đấu  P-40 nghênh chiến phi công Nhật nhằm bảo vệ hai hạm đội USS Arizona và USS Oklahoma. Trở về lại California , Rafe và Danny đều được thăng chức lên cấp hàm đại úy với huy chương “Silver Star” vì hành vi dũng cảm này. Tháng tư năm sau, cả hai được lệnh tham dự phi đội bí mật đặc biệt với mục đích chính là tấn công Tokyo. Trước khi ra đi, Joselyn tiết lộ với Rafe là cô đang mang thai với Danny nhưng cô lúc nào cũng yêu Rafe! Rafe và Danny được huấn luyện để bay loại máy bay ném bom B-25 Mitchell s và được gửi đi trên chiến hạm USS Hornet. Nhiệm vụ của phi đội đặc biệt của họ đã thành công! Thành phố Tokyo bị phá hoại khá nặng! Nhưng phi cơ của Danny và của Rafe đều bị trúng nhiều đạn và bị rơi. Cả hai bị bao vây bởi quân đội Nhật. Danny bị bắn trọng thương. Trong giây phút cuối đời của Danny, Rafe cho Danny biết là Joselyn đang mang thai với Danny; nghe vậy Danny rất vui và yêu cầu Rafe nhận đứa bé sắp chào đời và nuôi nó lớn lên như con của mình. Rafe đồng ý với đề nghị của bạn mình và sẽ đặt tên đứa bé là Danny!

Cuốn phim “Pearl Harbor” này ra đời với nhiều khen chê lẫn lộn! Người khen cũng nhiều mà người chê cũng không ít! Mặc dù câu chuyện của Rafe, Danny và Evelyn là giả tưởng, nhưng trên thực tế những câu chuyện tương tự như thế này cũng đã xảy ra trong nhiều cuộc chiến, mà gần đây nhất là chiến tranh Trung Đông. Biết bao chuyện thương tâm! Biết bao người đã ra đi ở cái tuổi đẹp đẽ nhất trong đời! Mạng sống con người sao rẻ rúng quá!

Nhiều thảm kịch xảy ra trong chiến tranh để những người ngoài cuộc phán đoán, góp ý và bình luận! Những người và cơ quan có thẩm quyền kể cả báo chí chỉ trích sự tàn nhẫn chiến tranh nhưng biết đâu họ cũng đồng thời ngấm ngầm ủng hộ chiến tranh vì những lợi ích riệng tư của một nhóm người và tập đoàn có quyền lực!? Những người như Rafe, Danny, Joselyn, những chiến sĩ Mỹ, phi công Nhật chỉ là những con cờ, những vật hy sinh  trong”The Game of War”!

Trong chuyến đi thăm Trân Châu Cảng nhiều năm trước đây, khi nhìn những đổi thay bên cạnh những dấu vết chiến tranh để lại; nhìn những du khách thuộc nhiều thế hệ đi qua lại  dọc theo con đường bên biển sóng; tâm trạng tôi trở nên hỗn loạn, và có cảm tưởng như mình đang rơi tõm vào một không gian phẳng lặng với nhiều mâu thuẫn nội tại: Có phải con người cần chiến tranh để sinh tồn? Chiến tranh có thực là một tất yếu lịch sử hay chỉ là một chiêu bài để thực hiện những ý đồ đen tối? Đây là hai câu hỏi “cũ kỹ như trái đất” mà ngay cả hiện tại cũng không có ai có thể trả lời một cách thành thực mà không phải nhiều hay ít dối gạt với chính lương tâm mình!?

Còn vài ngày nữa là kỷ niệm 80 năm Pearl Harbor Attack (trận Trân Châu Cảng). Nhân dịp này, người viết cũng xin mạo muội ghi lại vài cảm nghĩ bên lề về chiến tranh và con người. Mong một ngày mai nhân loại sẽ không còn chiến tranh, mặc dù biết đây chỉ là một ước mơ hão huyền!

Tôi đã đi qua bao nhiêu cuộc đời
Chiến tranh cướp đi vô duyên vô cớ
Đất nứt đồng hoang nhà tan cửa đổ
Cả lũy tre cũng tàn rụi không chừa!

Thôi hết rồi còn đâu những buổi trưa
Mẹ nhẹ bẫng đôi vai vừa tan chợ
Đàn em bé chạy ra sân mừng rỡ
Kẹo kéo, đường đen, gói cốm vui cười
(1973)

Anh da vàng miệng tươi cười hớn hở
Chị da đen mắt to rộng đón chào
Bác da trắng lời ngọt ngào thanh tao
Bé da đỏ tung tăng dài con phố.

Nắng đổ thênh thang, nắng vàng mới vỡ
Cơn mưa qua để lại móng màu tươi
Đủ sắc, âm vang như sắc da người
Cùng hội nhập để tô màu nắng ấm.

Nắm chặt tay nhau, nét thương thật đậm
Yêu quê hương, yêu xã hội, yêu người
Tất cả chúng ta đều sống trong đời
Đều máu đỏ, thắm tươi tình nhân loại.

Hãy gọi tên nhau, đón chào ngày mới
Chiến tranh xưa hủy hoại bao cuộc đời
“Nếu trao nhau bằng ngôn ngữ, nụ cười
Ai muốn dấn thân vào con đường hủy diệt?!”

Người ta chém giết nhau bởi vì không biết
Vì xa nhau, vì không hiểu nhau thôi!
Hiểu nhau rồi, đời sẽ đẹp tuyệt vời
Hoa lòng nở hoa hòa bình nhân loại.
(1999)

Ngồi nhìn chiếc cầu vòng
Cơn mưa vừa qua còn sót lại
Nắng về qua kẽ lá
Sợi nắng vàng tươi nhẹ nhàng lơi lã
Cánh lá bay lả tả giữa không trung
Dòng sống luân lưu thiên nhiên tưng bừng
Rộn rã chào mừng trong niềm vui nhân loại …
(2000)

Em cho tôi một nụ cười
Em cho tôi một niềm vui
Để sống
Để vững thêm niềm tin vào tình người vời vợi

Em cho tôi một ngày mới
Ngây ngất nồng nàn trong màu nắng ban mai
Bước chân em vươn vai
Tuổi nhỏ lòng non mộng đời thơ dại

Em là nguồn sống để mọi người mơ tới
Chỉ biết yêu thương không ghét hận hại người
Nếu ai cũng như em chắc hẳn cuộc đời
Sẽ rạng rỡ người người cùng chung hòa mạch sống!
(2000)

Nghĩ gì, nhớ gì trong tâm trạng hôm nay?!
Cũng bầu trời xanh, cũng nắng ngọt trong lành
Nhưng tôi thấy lòng mình hơi ngờ ngợ:
Con người nói nhiều về hậu quả chiến tranh
Mà ít ai thực sự muốn tránh sự tương tàn hủy phá!

Tám mươi năm trôi qua từ ngày Pearl Harbor Attack
Liệu bánh xe lịch sử có lập lại sự tấn công này!?!
Hay với kỹ thuật tinh vi hơn nhưng mục đích không bao giờ đổi thay
Giới quyền lực nào cũng muốn lên làm bá chủ!?

Mất mát thực sự là những người dân đen lam lũ
Đau khổ, hy sinh còn bị kẻ khác đè đầu
Ngày qua ngày trong thế sự biển dâu
Không dám nói hay giả bộ ầm ừ cho qua chuyện!?
(2021)

Dòng nước mắt khóc thầm
Cho những hoang tàn đổ nát
Nắng chiều trên con sóng
Lăn tăn sáng lân tinh những ánh sao
Chói chang một vùng biển trắng.
(2021)

Gió biển hiu hiu thổi
Sóng trắng vỗ chân đồi
Trời chiều chạng vạng tối
Những linh hồn đơn côi

Xa xôi đời xa xôi
Quê nhà giờ xa quá
Chọn đại dương biển cả
Thả hồn theo mây trôi…
(2021)

Công lý và hòa bình
Những mỹ từ thật đẹp thật xinh
Chỉ là trò lừa bịp!
Ở tuổi hai mươi bao người đã chết
Vì quê hương, vì tổ quốc yêu thương
Trong một buổi sáng nắng lên ngập cả phố phường
Biển trầm lặng bỗng nhiên bừng sóng gió.
(2021)

Vết dầu loang vẫn tiếp tục rỉ ra từ chiến hạm
Vòng hoa đủ màu ai thả xuống hôm nay
Màn mưa mỏng nghiêng nghiêng phảng phất chiếc cầu vòng
Hòa quyện cùng sóng nước xanh mướt màu hy vọng.

Giọt nước mắt như vết dầu loang vẫn sống
Để nhắc nhở mọi người về thảm kịch chiến tranh
Hủy hoại, tang thương, tàn rụi, hoang tàn
Bao mất mác với muôn ngàn tiếc nuối!

Nước mắt dầu loang buồn buồn tủi tủi
Gục ngã nơi boong tàu ở cái tuổi hai mươi
Cái tuổi của mộng mơ, lý tưởng, yêu đời
Chiến tranh đến cướp đi chỉ trong một buổi sáng!
(2021)

Với kỹ thuật tân tiến hôm nay
Người ngã xuống chỉ là con số
(Trớ trêu thay, những con số cũng có gia đình
Cũng có cha mẹ, anh em, vợ đẹp con xinh!)
Chỉ tội họ nghèo! Họ là kẻ hy sinh!
Giới quyền lực gây chiến tranh rồi cứu trợ, thương tình
Giống như đốt nhà xong rồi mang xe chửa lửa!?
Thấp cổ bé miệng dân bao giờ cũng khổ
Chịu đựng hy sinh nghèo vẫn hoàn nghèo
Báo chí tuyên truyền, biệt thự nhà cao
Tất cả bảo vệ nhau trong bức tường bí mật!?
(2021)

Những cũ rích cũ rang
Những đổ vỡ hoang tàn
Dòng lịch sử
Sẽ không bao giờ thay đổi!

Như nắng chói chang vươn vãi trên đồi
Như cơn mưa một chiều tê tê lạnh
Dòng thiên nhiên cũng như dòng lịch sử
Chánh niệm thân tâm an hưởng mảnh đời riêng
Cố gắng lánh xa những tạp niệm ưu phiền…
(2021)

Trần Trí Năng
December 7, 2021

[1] https://en.wikipedia.org/wiki/Attack_on_Pearl_Harbor
[2] https://www.nps.gov/perl/index.htm
[3] https://www.commonsensemedia.org/movie-reviews/pearl-harbor

Bài Cùng Tác Giả:

0 Bình luận

Bình Luận