Cẩm Sắt – Lý Thương Ẩn
Cẩm sắt
李商隱 錦瑟
1 錦瑟無端五十絃 Cẩm sắt vô đoan ngũ thập huyền
2 一絃一柱思華年 Nhất huyền nhất trụ tứ hoa niên
3 莊生曉夢迷蝴蝶 Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp
4 望帝春心託杜鵑 Vọng đế xuân tâm thác đổ quyên
5 滄海月明珠有淚 Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ
6 藍田日暖玉生煙 Lam điền nhật noãn ngọc sinh yên
7 此情可待成追憶 Thử tình khả đãi thành truy ức
8 只是當時已惘然 Chỉ thị đương thời dĩ võng nhiên
Chú thích:
Trang sinh: tức Trang tử, tên là Chu. Trang Chu nằm mơ thấy hóa thành bướm bay khắp nơi; khi tỉnh mộng, bàng hoàng tự hỏi, không biết mình là người lúc trước mơ thành bướm, hay là bướm bây giờ mơ hóa người
Vọng Đế: vua Thục tên là Đỗ Vũ. Khi Vọng đế thác đi, thương nước cũ, tiếc duyên xưa, hỗn hóa làm chim đổ quyên (cuốc)
Lam Điền: tên núi, ở huyện Lam Điền, tỉnh Thiểm Tây, nơi có nhiều ngọc đẹp
Cẩm sắt: đàn sắt (phủ) gấm
Tám:
Trần trọng San có nói: Nguyễn Du đã mượn bốn câu giữa của bài này để tả tiếng đàn Kiều lúc tái ngộ Kim Trọng.
Trong bài này, thi nhân không nói đến âm thanh, chỉ nói đến đàn, muốn hiểu theo đàn như Nguyễn Du mượn nghe cũng hay, tôi thì thích đắm chìm vào cảm giác của những câu thơ trên, để thấy tâm hồn lười biếng mơ màng như Trang sinh, tiếc nuối tuổi xuân như Vọng đế, để tưởng tượng ra mặt biển lấp lánh những giọt lệ sầu, ruộng nâu sinh động dưới ánh nắng mặt trời tỏa lên những lớp bụi nước mờ mờ thấp thoáng bóng những viên ngọc. Hai câu cuối thật xúc động, liên tưởng đến câu của Lý Bạch: Thử thời thử dạ nan vi tình. Khó sống quá đi ! Biết là “Lâu rồi đời mình cũng qua” (Vũ Thành An) đấy, nhưng hiện giờ … tâm tình hoang mang tuyệt vọng …
1. Cây đàn sắt không biết tại sao có năm chục dây
2. Mỗi dây buộc vào mỗi trụ, làm liên tưởng đến năm tháng những ngày còn trẻ
3. Trang sinh tỉnh mộng còn mê mẫn với bướm
4. Vọng đế tình xuân còn thác lại cho chim đổ quyên
5. Biển xanh biếc trăng sáng lóng lánh những hạt lệ
6. Núi Lam điền mặt trời sưởi ấm (hơi bốc lờ mờ như) ngọc tỏa khói
7. Tình này chỉ có thể chờ đến ngày hoài niệm thôi
8. Chỉ tại ngay lúc này đã hoang mang tuyệt vọng
Bản dịch:
Trần Trọng San
Cây đàn năm chục đường dây
Mỗi dây mỗi trụ nhớ ngày còn xanh
Mơ màng giấc bướm Trang sinh
Lòng xuân Vọng đế đổ quyên gởi vào
Biển xanh trăng chiếu lệ châu
Ngọc phơi nắng ấm khói cao Lam Điền
Tình này đợi nhớ nên niềm
Thế nhưng đã ngậm ngùi duyên bây giờ
Trần Trọng Kim
Đàn cẩm sắt mấy chục dây
Một dây một trục nhớ ngày thanh niên
Trang sinh hồ điệp mộng quên
Lòng xuân Thục đế đổ quyên gởi mình
Trăng soi châu dỏ duềnh xanh
Lam Điền trời ấm ngọc lành khói bay
Tình kia còn nhớ có ngày
Hiện nay chỉ thấy gắt gay nỗi lòng
Đỗ Đình Tuân
Năm mươi dây thoảng khúc đàn lơi
Mỗi phiến ngân treo một tuổi đời
Mộng tỉnh Trang còn mơ bướm lắm
Hồn trinh Thục mãi nhớ quyên ơi
Trăng soi biển biếc châu hoen lệ
Nắng rọi đồng xanh ngọc toả ngời
Tình ấy đẹp trong màu kỷ niệm
Dần dà năm tháng cũng dần nguôi
Nguyễn Hùng Lân
đàn năm mươi sợi tơ đồng
mỗi dây khẩy lại nhớ nhung thuở nào
Trang sinh mộng bướm sớm nao
lòng xuân Thục đế gởi vào đỗ quyên
trăng soi biển lệ châu miền
nắng lên hạt ngọc Lam Điền khói xây
tình này đáng lẽ đẹp đây
tiếc thay ngày nọ đã đầy đau thương
Witter Bynner
I wonder why my inlaid harp has fifty strings,
Each with its flower-like fret an interval of youth.
…The sage Chuangzi is day-dreaming, bewitched by butterflies,
The spring-heart of Emperor Wang is crying in a cuckoo,
Mermen weep their pearly tears down a moon-green sea,
Blue fields are breathing their jade to the sun….
And a moment that ought to have lasted for ever
Has come and gone before I knew.
Lê Khắc Tưởng
Bài Cùng Tác Giả:
- Bi Ca Hành trong nhạc cổ điển
- Hoàng Hạc Lâu – Thôi Hiệu
- Tương Tiến Tửu – Lý Bạch
- Vọng nguyệt hòai viễn – Trương Cửu Linh
- Cận thí thượng Trương thủy bộ – Chu Khánh Dư
- Khiển hòai – Đổ Mục
- Lương Châu từ – Vương Hàn
- Phong kiều dạ bạc – Trương Kế
- Dạ vũ ký bắc – Lý Thương Ẩn
- Đăng Lạc Du nguyên – Lý Thương Ẩn
- Vô Đề – Lý Thương Ẩn
- Xuân hiểu – Mạnh Hạo Nhiên
- Bạc Tần Hòai – Đỗ Mục
- Hành lộ nan – Lý Bạch
- Ngọc đài thể – Quyền Đức Dư
- Phú đắc cổ nguyên thảo tống biệt – Bạch Cư Dị
- Dạ tư – Lý Bạch
- Hiệp Khách Hành – Lý Bạch
- Tặng Vệ bát xứ sĩ – Đỗ Phủ
- Kim Lũ Khúc – Nạp Lan Tính Đức
- Trường Can Hành – Lý Bạch
0 Bình luận